Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc chân thành kính chúc Qúy Độc Giả an bình và hạnh phúc

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

CHỦ NGHĨA NHÂN VỊ Con Đường Mới, Con Đường của Tiến Bộ

Ông Ngô Đình Diệm đã đi vào lịch sử Việt Nam với tư cách là vị Tổng Thống dân cử đầu tiên của đệ Nhất Cộng Hòa. Một nhà lãnh đạo với một viễn kiến rõ rệt và độc đáo về một mô hình phát triển xã hội Việt Nam thời hậu thuộc địa.

Trong một bài điểm sách, Giáo Sư Sử Gia Edward Miller viết:
“Ngô Đình Diệm là một người có hoài bão. Với tư cách là người lãnh đạo Miền Nam từ 1954 đến 1963, Diệm mong muốn trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu trong việc xây dựng chính quyền quốc gia, Ông cương quyết tìm ra một đường lối khác biệt với con đường mà Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam đang theo đuổi” (2003)


Và Sử Gia Henry Fairbanks đã tóm tắt sự thậ lịch sử nầy bằng lời lẽ khách quan, trong một bài báo tựa đề “The Enigma of Ngô Đình Diệm”, được đăng trong tờ Commonweal, như sau:
“Ông Diệm tìm kiếm và khôi phục những giá trị cổ truyền làm nền tảng cho giải pháp canh tân xứ sở trong khi đó những người khác lại đi tìm những học thuyết ngoại lai … Dù sao đi nữa, Ông ta vẫn là một người có cái nhìn sâu sắc về tương lai. Cả thế giới nầy đều yêu mến các chiến sĩ dũng cảm và ai ai cũng phải nể trọng những kẻ đeo đuổi một lý tưởng cao cả nào đó. Ông Diệm ao ước thực hiện một nhà nước được xây dựng trên những giá trị cổ truyền tốt đẹp nhất của Á Châu và Tây Phương, những đặc điểm đúng đắn và khả thi nhất để phục vụ quyền lợi chung và tôn trọng nhân phẩm. Ông Diệm cho rằng Xã Hội Chủ Nghĩa và Tư Bản Chủ Nghĩa đều là những học thuyết cực đoan cần có một hình thức trung gian, một lực lượng đứng giữa, nhằm tổng hợp được những giá trị ưu tú nhất của cả hai để phục vụ cho lợi ích chung: công bằng với người nầy là tự do của kẻ khác, cũng như loại bỏ độc tài toàn chế và tinh thần vô trách nhiệm của Chủ Nghĩa Cá Nhân” (21-9-1962, tr 516)

Và trong buổi lễ nhậm chức Thủ Tướng váo tháng 7 năm 1954, với lời lẽ tràn đầy hy vọng Ông Ngô Đình Diệm đã long trọng xác nhận và trấn an dân chúng:

“Dân tộc Việt Nam đã bị lạm dụng từ lâu, nay đang tìm lối đi, một đường lối chắc chắn dẫn họ đạt tới những lý tưởng nồng nhiệt khát khao từ lâu. Tôi cương quyết vạch đường lối ấy cho dân tộc, bất chấp mọi chông gai gain khổ” (1955, Q.I, tr11)

Viễn kiến ấy, đường lối ấy, chính là con đường Nhân Vị, là chủ thuyế chính trị khai sinh ra nên Cộng Hòa 1955-1963 tại Miền Nam Việt Nam và là kim chỉ nam hướng dẫn cuộc cách mạng quốc gia, phát triển đất nước. Tuy Chủ Thuyết Nhân Vị đã trực tiếp ảnh hưởng đến sự an nguy của hàng chục triễu người, nhưng mãi đến nay vẫn chưa được lịch sử đánh giá đúng mức vai trò của nó. Bài viết nầy sẽ dành riêng cho việc tìm hiểu về Chủ Nghĩa Nhân Vị như là một vấn đề lịch sử còn tồn đọng của thế kỷ vừa qua.


I- Chủ Nghĩa Nhân Vị.

A- Chủ Nghĩa Nhân Vị là gì?
Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh thì NHÂN (**) là Người và NHÂN (**) còn có nghĩa là lòng thương người, tình yêu (tr.60); VỊ có nghĩa là địa vị, hay chỗ đứng (tr.547) Theo Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu thì NHÂN (**) có nghĩa là giống khôn nhất động vật (tr.14) và NHÂN (**) có nghĩa là đạo lý làm người phải thế mới là người. Còn có nghĩa là yêu người không vì lợi riêng của mình thì mới gọi là NHÂN (tr.5). VỊ (**) là người có cái vị trí của họ (tr.20). Hai chữ nầy hợp lại để diễn tả ý tưởng: Vị trí, phẩm giá và trách nhiệm của con người trong cộng đồng nhân loại và trong vũ trụ.

Chữ NHÂN trong Khổng Học, ngoài ý nghĩa trên còn mang một bản chất siêu nhiên, “Nhân linh ư vạn vật”, nghĩa là con người linh thiêng hơn hết mọi loài và là nền tảng cho mọi sự trong vũ trụ. Con người khác với con vật ở chỗ biết suy tư, tức là có một đời sống tâm linh, lại còn có một đời sống vật chất biết hành động. Hai yếu tố tinh thần và vật chất đối nghịch nầy lại cùng tốn tại và phát triển như là một thực thể duy nhất. Đây là sự ghuyền diệu của bản chất con người.

Ngoài ra giá trị con người còn nằm ở khả năng của ý chí có thể dung hòa được những mâu thuẩn nội tại và bên ngoài. Ví dụ, mâu thuẩn giữa ý chí và đam mê hay giữa thiện và ác. Ý chí và tình yêu đều mang bản chất tự nguyện. Muốn hành động xấu hay tốt, yêu hay ghét là hoàn toàn do ý chí tự nguyện của con người: “Cái việc vi nhân đó không phải nhờ cậy ai đâu: tính nhân trời phú cho mình, đức năng có sẳn trong lòng mình, bây giờ làm cho hết công việc nhân cũng chỉ bởi tự mình làm lấy, há phải ở người ngoài ru?” Nói một cách đơn giản, nếu những giá trị nhân bản và vị trí cao quí của con người nầy mà không được tác động, không có cơ hội hoặc môi trường thuận lợi để phát triển thì chúng chỉ là những giá trị, những ý niệm tĩnh (chết), là những lý thuyết suông, không giúp ích gì cho con người và xã hội. Cho nên Khổng Tử chủ trương muốn thành NHÂN (động) tức là đạt đến những giá trị và vị trí cao quý nầy, mỗi người phải lấy tu thân làm đầu: Tu thân – Tề gia – Trị quốc – Bình thiên hạ”.

Trong sách luận ngữ Khổng Tử dạy:
Trừng trị hết cái bệnh tư dục của mình là khắc kỷ, hồi phục được chân lý của Trời là phục lễ thế NHÂN [khắc kỷ phục lễ vi nhân] … Hễ một mai khắc được kỷ, phục được lễ, công phu làm Nhân đã hoàn toàn, đức nhân ở trong mình đã thạnh vượng thời ảnh hưởng vì đức nhân mình mà truyền bá được rất xa, chắc thiên hạ qui hướng về cả thảy [nhấ nhật khắc kỷ phục lễ thiên hạ quy nhân yên] (P.B. Châu, tr.35)
Những người đã dày công phu khắc được “kỷ” phục được “lễ” đều là những bậc chính nhân quân tử, đáng được suy tôn là “chí sĩ”, Khổng Tử nói:
“Hễ gọi bằng người “sĩ” có “chí”, chẳng phải gì lạ đâu, cũng chỉ là người có đức nhân mà thôi. Làm trọn vẹn đức nhân mới là chí sĩ. Những bậc người ấy, một đời người từ thỉ chí chung, chỉ đặt cái chí mình lên trên chữ NHÂN: “Đời mình sống với nhân, đời mình chết cũng chết vì nhân; nếu chẳng may mà gặp lấy hoàn cảnh xấu, mà thân mình không thể sống được thời âu là giữ lấy chữ “nhân” cho trọn vẹn cái chí của mình, chứ không cầu sự sống mà vì nó làm hại đức nhân. Khi sự thế đáo đầu, phải xem “nhân” hơn sự sống, nên có lúc giết cái thân mình, để vì nó mà hoàn thành được đức nhân [Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân]”

Hai anh em Ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã sát nhập hai học thuyết NHÂN và VỊ nầy của Nho Giáo rồi hệ thống hóa các tư tưởng nhân bản nầy lại thành một chủ thuyết chính trị, lấy tên Chủ Nghĩa Nhân Vị. Trong ngày kỷ niệm sinh nhật của Đức Khổng Tử, Ông Ngô Đình Diệm đã long trọng một lần nữa xác nhận rằng NHÂN và VỊ chính là hai học thuyết của Nho Giáo (1958, Q. 4, tr.97). Và Ông còn lặp lại lời của Mạnh Tử: “Hãy sống (động) theo Nhân và hành động theo Nghĩa thì đó là một đời sống có ý nghĩa rồi” . Vì thế, cứ dựa vàn Nhân nghĩa và địa Vị để mà hành động, chúng ta không còn phải lo sợ lỗi lầm gì nữa (1958, Q 4, tr.99). Ông Ngô Đình Nhu đã đặt con người riêng rẽ vào trong cộng đồng của con người, khung cảnh xã hội của nó, để phát họa vai trò của cơ quan công quyền trong giải pháp Nhân Vị như sau:

“Lý thuyết về một Xã Hội Nhân Vị gồm hai nguyên tắc căn bản:
* Tôn trọng phẩm giá con người và thiết lập một hệ thống những quyền lợi chung của cộng đồng;

* Giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội nằm ở chỗ thực hiện được tình trạng quân bình giữa những nhu cầu căn bản của cá nhân và quyền lợi của cộng đồng mà cá nhân ấy là một thành phần.” (1952, Lược Đồ Cải Tạo Xã Hội)

Tóm lại khi nói chủ Nghĩa Nhân Vị mang một ý nghĩa nhân bản phải hiểu nó bao gồm đầy đủ bản chất của con người (phần tĩnh [static] và ý chí (phần động [dynamic]) như vừa trình bày. Và quan niệm “cộng đồng Nhân Vị” diễn tả “một tập hợp những con người (** viết chữ Nho) có đạo lý làm người của chữ NHÂN (**), trong đó nguyên tắc thứ nhất chính là mặt tĩnh của Chủ Nghĩa Nhân Vị. Nguyên tắc thứ hai mới là phần động , phần tích cực của Chủ Nghĩa Nhân Vị: Một chính quyền muốn phục vụ cho lợi ích căn bản của con người, có trách nhiệm tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để con người được tự do phát triển (tu thân) và phải thực hiện cho được tình trạng quân bình giữa các nhu cầu căn bản của cá nhân và cộng đồng. Ví dụ như hiến pháp qui định mọi người đều có quyền tự do căn bản nhưng chính quyền không làm gì để những quyền nầy được thực hiện, thì các quyền tự do căn bản nầy cũng chỉ là những ý niệm xuông. Hiến pháp là tờ giấy nháp!

Phẩm giá của mỗi con người được thực sự tôn trọng một cách tự nguyện. Có thể nói cộng đồng nhân vị tương đương với “xã hội dân sự” (civil society), một quan niệm được các thuyết gia dân chủ học Tây Phương đem vào xử dụng hồi cuối Thế Kỷ Mười hai.

b- Căn bản Triết Học của Chủ Nghĩa Nhân Vị. (còntiếp)

Nền tảng triết học của Chủ Nghĩa Nhân Vị là các giá trị nhân bản của Nho Giáo.

Khổng Học lúc đầu, chú trọng đến việc thiết lập một hệ thống luân lý thực tiễn cho các sinh hoạt xã hội hơn là đề xướng một triết học nhận thức hoặc tôn giáo. Mãi đến khi về già, Khổng Tử mới lấy Kinh Dịch làm căn bản triết học cho một đạo sống thực tiễn. Ông cho rằng cội rễ của vạn vật là do một thực tại tuyệt đối có những tánh chất như Đạo của Họ Lão. Thực tại tuyệt đối đó được mệnh danh là Thái Cực (the Absolute). Nhưng trong cái im-lìm và thuần nhất của Thái Cực, tự nó đã có chứa sẵn bên trong hai nguyên động lực tương sinh tương khắc gọi là Lưỡng Nghi: Đó là Âm (negative) và Dương (positive). Hai nguyên tắc Âm và Dương đó tương sinh tương khắc lẫn nhau để sinh ra Tứ Tượng (4 seasons) rồi cứ tiếp tục phân hóa như thế thành muôn vàn hiện tượng của vũ trụ nầy. Đó là quan niệm của Nho Giáo về cách thức và lịch trình hiện tương hóa (hay còn gọi là Dịch Hóa). Kinh Dịch đã dần dần kết tập sự chuyển hóa Âm Dương thành 64 quẻ, mỗi quẻ tương trưng cho một trạng thái tương quan giữa TRỜI, ĐẤT VÀ NGƯỜI. Tương quan nầy biểu hiện sự hòa đồng Tiểu Ngã con người với Đại Ngã của vũ trụ hay còn gọi là lý tưởng THÁI HÒA (vừa tĩnh vừa động). Cho nên Khổng Học đưa ra thuyết “Thiên, Nhân tương dữ” (Trời, Người, như nhau) làm quan niệm căn bản.

Đến đầu thế kỷ 20 thì lý tưởng hòa đồng giữa con người với vũ trụ của Nho Giáo đã được Triết Gia Kim Định hệ thống hóa trong học thuyết Tam Tài của Việt Nho (khác với Hán Nho), xác định rõ giá trị và vị trí của con người. Vũ trụ quan (cosmology) của Việt Nho cho rằng trong vũ trụ nầy có ba quyền lực lớn, có giá trị ngang nhau và cùng tồn tại với nhau.Vì thế Việt Nho coi con người là tiểu vũ trụ, là nơi hội tụ của trời và đất. “VỊ” của con người là đứng giữa và ngang hàng với Trời và Đất. Vị trí nầy theo Cấu Trúc Luận của An Vị là vị trí THÁI HÒA, Thái hòa giữa tinh thần và vật chất, giữa tình và lý, giữa hơn và kém, giữa đúng và sai, giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng, tức là giữa 2 đối cực. Ở vào vị trí nầy con người đã đạt đến một tình trạng quân bình động, một tình trạng thuộc về tâm linh. Nhưng muốn đạt đến tình trạng Thái Hòa, bản thân mỗi người phải qua một tiến trình tu thân bền bỉ. Những người nầy đã khắc được kỷ phục được lễ, đã làm trọn vẹn đức NHÂN và Khổng Tử gọi họ là “chí sĩ”. Vì thế lý tưởng hòa đồng hay thái hòa của Việt Nho được Triết Lý An Vị xếp vào bậc cao nhất trong sự trình tâm thức con người.

Tóm lại những giá trị nhân bản dùng làm căn bản xây dựng Chủ Nghĩa Nhân Vị đều có một cơ sở triết học vững chắc. Ngoài ra Chủ Nghĩa Nhan Vị khi được hướng dẫn bởi lý tưởng Thái Hòa, một sự kiện tâm linh (heart-spirit) bao gồm hết các giai đoạn phát triển nên mang tính toàn thể và thực dụng. Thực dụng vì nó bao gồm cả lý và tình, nên Chủ Nghĩa Nhân Vị là một chủ nghĩa hành động.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn
Trích trong:

CUỘC CÁCH MẠNG NHÂN VỊ 
Hội Người Việt Quốc Gia – Đặc San 2007
từ trang 132 đến 160

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét