Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc chân thành kính chúc Qúy Độc Giả an bình và hạnh phúc

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

NGÔ TỔNG THỐNG DƯỚI ĐÈN ĐỌC SÁCH (Kỳ 1) Tiểu Sử và gia đình


DƯỚI ĐÈN ĐỌC SÁCH (Kỳ 1 và 2)

Để tìm hiểu biết rõ sự thực những diễn biến chính trị cận đại tàn phá quê hương Việt Nam, xin mời quý vị cùng chúng tôi, chúng ta hãy cùng nhau “ đọc sách dưới đèn “, quay về dĩ vãng tìm đọc qua các tài liệu xác thực của nhiều tác giả nhân chứng, với nhiều hình ảnh trung thực, để suy niệm và nắm bắt thật chính xác những công lao xây dựng nước của nhà đại Cách Mạng Ngô Đình Diệm đã bị các “thế lực bất chánh ” sát hại chỉ vì mang hai tội danh: một là Kyto hữu hai là nặng lòng ái quốc.


Chúng ta không nên vội tin vào những lời vu vạ cáo gian của đối phương với bất kỳ lý do biện minh khi chưa được công luận, công quyền quốc tế kiểm chứng và xác nhận đúng đắn . Những kẻ đã một thời nắm quyền sinh sát, làm mưa bão trên quê hương Việt Nam , trực tiếp hay gián tiếp nấp dưới chiêu bài tôn giáo sát hại chí sĩ Ngô Đình Diệm, hiện còn sống, mãi tới nay hơn nửa thế kỷ mà vẫn ngậm hột thị, không đủ can đảm nhận tội để nói lên sự thực do hành động mình gây ra, là những kẻ rất hèn, đáng khinh bỉ cho đến khi chết rồi cũng không có được một lời xin lỗi nhân dân vì đã gây biết bao thảm trạng đau thương cho đồng bào cả nước phải hứng chịu hậu quả triền miên , để rồi ra đi mang theo những bí ẩn về bên kia thế giới không một lời hối tiếc .

Những kẻ đó mới chính là những tên tội đồ dân tộc cần bị kết án không thể tha thứ được . Quý vị cao niên cũng như chúng tôi , chúng ta đã qua lứa tuổi “ Thất thập cổ lai hy” là những nhân chứng sống , nhiều hay ít cũng đã chứng kiến, mục kích, đã trãi qua những biến cố đẩm máu của đất nước, có bổn phận nói lên sự thật cho con cháu hậu sinh biết tường tận bánh xe lịch sử đã qua để tránh tái diễn về sau. Thành thật cám ơn quý vị .

NGUYỄN ĐÌNH HOÀI VIỆT
=======================================================Dưới đèn đọc sách ( kỳ 1 )

TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM (1901-1963)

Tiểu Sử

Ngô Đình Diệm (Hán tự:吳廷琰) sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901 tại Huế trong một gia đình quyền quý theo Công giáo ở Việt Nam, tên thánh của ông là Jean Baptiste (Gioan Baotixita

Gia Đình

Theo các tài liệu lịch sử đã được công bố, Tổng Thống Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901 tại Huế trong một gia đình công giáo danh vọng bậc nhất miền Trung thời đó. Thân phụ là cụ ông Ngô Đình Khả và thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Thân, nguyên quán làng Đại Phong, Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Trung Phần Việt Nam. Cụ Ngô Đình Khả là Thượng Thư triều đình Huế kiêm Phụ Đạo Đại Thần và cũng là Cố Vấn của vua Thành Thái.

Gia đình ông bà cụ cố Ngô Đình Khả có tất cả 9 người con: 6 người con trai và 3 người con gái. Trưởng nam là Tổng Đốc Ngô Đình Khôi đã bị cộng sản giết năm 1945 cùng với người con trai là Ngô Đình Huân; Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục; Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người con trai thứ ba; ba người con gái là bà Ngô Đình Thị Giao, tức bà Thừa Tùng; bà Ngô Đình Thị Hiệp, tức bà Cả Âm, thân mẫu Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và bà Ngô Đình Thị Hoàng, tức bà Cả Lễ, nhạc mẫu nghị sĩ Trần Trung Dung, tiếp theo là ba người con trai: Cố vấn Ngô Đình Nhu, Cố vấn Ngô Đình Cẩn và đại sứ Ngô Đình Luyện, người con út trong gia đình.

Cụ Cố Ngô Đình Khả nổi danh là một vị khoa bảng xuất chúng. Thời đó, tại Việt Nam rất hiếm có người được hấp thụ cả hai nền giáo dục Đông và Tây như Cụ. Lúc thiếu thời, Cụ theo Nho học, sau đó vào chủng viện học chương trình Pháp, rồi được gửi sang đại chủng viện Penang để học Triết học và Thần học Tây Phương bằng tiếng Pháp và tiếng La Tinh. Cụ là một chủng sinh rất xuất sắc, nhưng vì không có ơn gọi để trở thành linh mục, Cụ đã xin trở về cuộc sống thế tục.

Cụ Cố Ngô Đình Khả còn nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, cương trực, đức độ, một nhà ái quốc chân chính, là bạn thân của các nhà cách mạng nổi danh thời đó như cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Thành tích đáng kể nhất của cụ cố Ngô Đình Khả là nỗ lực thành lập Trường Quốc Học tại Huế, một trường công lập đầu tiên giảng dạy theo chương trình học thuật Đông Tây tại Việt Nam. Và chính Cụ là vị đại thần duy nhất đã can đảm công khai chống lại thực dân Pháp phế bỏ và đầy vua Thành Thái sang Phi Châu sống lưu vong, sau đó Cụ đã xin rũ áo từ quan về quê làm ruộng.

.Lúc thiếu thời, ông Diệm còn đuợc theo học dưới sự dạy dỗ của một vị cha tinh thần khác, cũng nổi tiếng về kiến thức quảng bác, đức độ và lòng yêu nước: Đó là Quận Công Nguyễn Hữu Bài, Thượng Thư dưới triều vua Duy Tân. Ngài là vị đại thần duy nhất chống lại việc người Pháp tham lam muốn đào ngôi mộ vua Tự Đức để lấy vàng bạc châu báu. Vì thế dân chúng miền Trung thời đó vô cùng cảm kích ngưỡng mộ nên đã có phương ngôn: “Đày vua không Khả. Đào mả không Bài”.

.Ngoài việc hấp thụ những đức tính cao đẹp và lòng yêu nước nồng nàn của thân phụ và nghĩa phụ, ông Diệm còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền giáo dục Nho Giáo và Thiên Chúa Giáo. Thực vậy, nếu Nho Giáo đã hun đúc ông Diệm thành một con người thanh liêm, tiết tháo và cương trực thì nền giáo dục Thiên Chúa Giáo đã đào tạo ông Diệm thành một con người đầy lòng bác ái, vị tha và công chính.

Thời trẻ

Từ lúc còn nhỏ, ông được Nguyễn Hữu Bài – quan phụ chính trong triều dạy dỗ và coi như con đẻ, từ năm 15 tuổi ông vào học trường dòng với dự định sau này làm tu sĩ, nhưng không chịu nỗi kỷ luật khắt khe trong trường dòng, ông đã bỏ trường dòng ra xin học vào trường quốc học Huế

Từ năm 1919 ông ra Hà Nội học trường Hậu Bổ (trường hành chính) và tốt nghiệp 2 năm sau đó năm 1921.

Giai đoạn làm quan triều Nguyễn

Năm 1923, ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, rồi Tri phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1929, ông được bổ nhiệm làm Tuần vũ tỉnh Bình Thuận.

.Năm 1932, ông được bổ nhiệm Thượng thư Bộ Lại trong triều đình vua Bảo Đại. Trong thời gian này ông được bầu làm Tổng thư ký uỷ ban cải cách, ông đề xướng hai điều với chính quyền bảo bộ Pháp: một là thống nhất Trung và Bắc Kỳ theo Hòa ước Giáp Thân 1884 và hai là cho Viện Nhân dân Đại biểu Trung Kỳ được quyền tự do thảo luận các vấn đề. Việc thống nhất cốt sẽ buộc chính quyền Bảo hộ Pháp bãi bỏ khâm sứ Trung Kỳ và thống sứ Bắc Kỳ và thu về thành một viên tổng trú sứ (résident général) ở Huế mà thôi. Việc thứ hai là để canh tân lối cai trị cũ. Vì thấy không được chấp nhận, ông từ chức ngày 12.07.1933..

Hoạt động chính trị chống Pháp :1933-1945

.Năm 1933, ông vào Sài Gòn cùng với Nguyễn Phan Long, Lê Văn Kim,… tổ chức phong trào của trí thức Nam và Trung Kỳ vận động chính giới Pháp tại Paris để đòi truất phế quan Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier. Việc không thành, ông bị Pasquier trục xuất khỏi Huế và chỉ định cư trú tại Quảng Bình. Tuy nhiên, sau cái chết của Pasquier năm 1934, viên toàn quyền mới Eugene René Robin đã phục hồi tước vị hàm cho ông và ông về dạy tại trường Thiên Hựu do anh trai Ngô Đình Thục làm Giám học

Thời kỳ 1934-1944, Ngô Đình Diệm tham gia thành lập và lãnh đạo đảng Đại Việt Phục Hưng chống Pháp với thành phần đảng viên nòng cốt là quan lại, linh mục, cảnh sát, và lính khố xanh bản xứ tại Trung Kỳ. Tháng 7 năm 1944, mật thám Pháp phá vỡ tổ chức này, Ông Ngô Đình Diệm trốn vào Sài Gòn với sự giúp đỡ của hiến binh Nhật.

Tại Sài Gòn, ông đã tham gia thành lập Uỷ Ban Kiến Quốc với mục tiêu phò tá hoàng thân Cường Để, tuy nhiên Nhật không cho Cường Để về nước để lập làm vua mà vẫn tiếp tục sử dụng Bảo Đại để lập nên một chính quyền thân Nhật với quốc hiệu mới là Đế quốc Việt Nam. Bảo Đại đã từng mời ông làm thủ tướng trong chính quyền mới nhưng không thành mà thay vào đó là Trần Trọng Kim.

Trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương 1945-1954.

.Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Bộ Tư Lệnh Nhật ở Đông Dương tổ chức đảo chánh lật đổ nhà cầm quyền Pháp. Đại sứ Nhật Yokohama yêu cầu vua Bảo Đại tuyên cáo Việt Nam Độc Lập trong khối Đông Nam Á. Đối phó với tình hình mới, nhà vua lại mời ông Ngô Đình Diệm về làm Thủ Tướng nhưng vì không muốn làm vật hy sinh, ông đã từ chối và nhà vua đã mời cụ Trần Trọng Kim lúc đó 62 tuổi thành lập nội các.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, Việt Minh khai thác sự đột biến hoang mang của quần chúng, đã tổ chức cướp chính quyền trong một cuộc biểu tình ngày 18 tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội. Sau đó, Cựu Hoàng cũng tuyên bố thoái vị.

Còn ông Diệm trên đường từ Sàigòn về Huế đã bị Việt Minh bắt tại Tuy Hoà và biệt giam tại Quảng Ngãi. Để củng cố địa vị, Hồ Chí Minh đã mời ông Diệm hợp tác với chính phủ nhưng ông đã cương quyết từ chối. Khi bị giam tại Tuyên Quang, ông bị bệnh nặng được đưa về điều trị tại bệnh viện Saint Paul Hà Nội do áp lực của đảng phái quốc gia và Phó chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng, nhưng ông đã được ông Nhu lúc đó đang làm việc tại Thư Viện Trung ương Hà Nội tìm cách cứu thoát.

Đến năm 1948, một lần nữa ông Ngô Đình Diệm từ chối lời mời của Cựu Hoàng thành lập chính phủ trong Liên Hiệp Pháp. Từ đó ông xuất ngoại, đi vận động ngoại giao tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ và được Đức Giáo Hoàng Piô XII tiếp kiến tại La Mã.

Năm 1950, ông theo người anh trai là giám mục Ngô Đình Thục đi Vatican, sau đó sang Nhật gặp hoàng thân Cường Để đang sống ở đây, và sau đó ông sang Mỹ sống tại đây trong hai năm, phần lớn thời gian lưu trú tại các trường dòng Lakewood ở New Jersey và trường dòng Ossining ở New York, đây cũng là thời kỳ ông gặp hồng y Spellman, người đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự nghiệp chính trị của ông sau này

Vì tình hình chiến sự suy sụp mau chóng sau khi thất thủ tại Điện Biên Phủ 7.5.1954, Chính Quyền Pháp muốn rút lui trong danh dự nên đồng ý trao trả độc lập thực sự cho Việt Nam. Trước tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị cắt làm đôi, Cựu Hoàng Bảo Đại đã kêu gọi lòng ái quốc và trách nhiệm trước sự tồn vong của dân tộc, đã yêu cầu ông Diệm nhận lãnh sứ mạng. Vì nghĩ rằng đây là cơ hội cuối cùng, ông có thể đứng ra lập chính phủ để cứu nước nên ông đã nhận lời, bất chấp sự can ngăn của các chính khách thân hữu. Sự kiện lịch sử này xảy ra ngày 19. 06. 1954, trước khi Hiệp Định Genève chia cắt hai miền Nam Bắc đất nước theo sông Bến Hải ngày 20. 07. 1954 đúng sau 31 ngày. Ngày 24 tháng 06 năm 1954 Thủ Tướng Diệm về nước thành lập chính phủ.

Thủ tướng Quốc Gia Việt Nam 19.6.1954-26.10.1955

Trong thời kỳ đầu làm Thủ tướng quốc gia Việt Nam, thực tế ông không có quyền lực đối với các lực lượng quân đội, cảnh sát với những người đứng đầu là Trung tướng Nguyễn Văn Hinh (gốc sĩ quan Trung tá Không quân Pháp, vợ Pháp) và Thiếu tướng Lê Văn Viễn (Bình Xuyên). Hai lực lượng này liên minh với nhau nhằm chống lại ông, ông cũng không kiểm soát được bộ máy quan chức dân sự vì các viên chức Pháp đang còn nhiều, nắm giữ các vị trí then chốt. Nền tài chính vẫn do ngân hàng Đông Dương mà phía sau là chính phủ Pháp quản lý. Thực tế trong gia đoạn đầu cầm quyền thủ tướng ông không có quyền hành.

Sự kiện quan trọng trong giai đoạn này là việc Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower gửi công hàm chính thức cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho biết từ đây chính phủ Việt Nam nhận viện trợ trực tiếp của chính phủ Hoa Kỳ chứ không qua nhà đương cục Pháp như trước.

Ngô Đình Diệm cho rằng cơ hội duy nhất cho quốc gia Việt Nam đứng vững được là phải giành được độc lập thực sự, và ông nhất định thực hiện mục tiêu đó một cách dũng cảm và kiên trì hiếm có. Chỉ sau vài tháng nắm quyền thủ tướng, tháng 12 năm 1954 ông bãi bỏ quyền phát hành giấy bạc của ngân hàng Đông Dương, từ nay giấy bạc lưu hành trên lãnh thổ miền Nam sẽ do ngân hàng Việt Nam mới thành lập phát hành và cục hối đoái giao cho chính phủ Việt Nam quản lý, tiếp đó ông yêu cầu chính phủ Pháp giao lại cho Việt Nam trong thời hạn năm tháng việc kiểm soát quân đội quốc gia lâu nay vẫn thuộc bộ chỉ huy Pháp.


NGUYỄN HÙNG KIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét