Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc chân thành kính chúc Qúy Độc Giả an bình và hạnh phúc

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

LÒNG NHÂN ĐẠO CỦA CỐ TỔNG THÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM: Bài phát biểu ông Nguyễn Duy Sâm


                "Càng cao danh vọng càng dày gian nan"

Câu nói nầy, thật quá đúng với cuộc đời làm Tổng Thống của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Cái dày gian nan mà ông phải chịu là đem mạng sống của chính ông và hai người em là ông Ngô Đình Nhu và ông Ngô Đình Cẩn để bảo vệ độc lập dân tộc, mà chính ông đã dành lại từ tay người Pháp. Rất tiếc những chính quyền sau khi lật đổ ông đã không có khả năng giữ được!
Khi hay tin TTNĐ Diệm vừa bị lật đổ cố Tổng Thống Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc nhận xét  "Người Mỹ phải chịu trách nhiệm nặng nề trong việc hạ sát xấu xa này, Trung Hoa Dân Quốc mất đi một đồng chí tâm đầu ý hợp. Tôi khâm phục ông Diệm, ông xứng đáng là một lãnh tụ lớn của Á Châu. VN có lẽ phải mất tới 100 năm nữa mới tìm được một lãng tụ cao quý như vậy " Câu nói tiên tri của Tưởng Tổng Thống vào năm 1963 ít người nghĩ là câu nói lịch sử. Nhưng nay câu nói đó đã đúng 52 năm tức trên 50 phần trăm. Hậu quả của cuộc binh biến ngày 1.11.1963 là cơ hội cho Cọng sản Việt Nam cùng với sự trợ giúp Nga Tàu xua quân đánh chiếm miền Nam như lời bộ trưởng quốc phòng Miền Bắc là Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố: "Cuộc chiến thắng năm 1975 chúng tôi đã nhìn thấy từ năm 1963". Võ Nguyên Giáp thấy gì? Thấy miền Nam giết người duy nhất có khả năng chống lại CS hữu hiệu, như lời của ký giả Cọng sản Mỹ Wilfrid Burchett nói với ký giả Keyes Beech sau khi biết ông Diệm đã bị giết. Ông ta nói: "Thật là không thể tin được: chúng nó đã giết người duy nhất có tư tưởng và tổ chức có thể chận chúng tôi"... Wilfrid Burchett không nói rõ "chúng nó và "chúng tôi" là ai, nhưng chúng ta cũng có thể thấy rõ là "chúng nó" là phe chống cộng, và "chúng tôi" là phe Cọng sản.  
Thật vậy, TT NĐ Diệm đúng là người duy nhất có thể chống lại CSVN . Vì sau khi giết TT Ngô Đình Diệm, các chính trị gia thượng thặng của miền Nam trước đó chống TT Ngô Đình Diệm đều thay nhau đứng vào cương vị lãnh đạo như TT NĐ Diệm; đều đã thất bại, mà cái thất bại sau cùng 30.4.1975 đã khóa sổ không cho những người chống TT Ngô Đình Diệm có cơ may chuộc lại lỗi lầm.
Khi nói chuyện với cán bộ quốc gia về cuộc chiến tranh quốc cọng mà Miền Nam đang phải đối phó. Tổng Thống nói: “Chiến tranh nầy là vậy, đánh nhỏ chết ít, đánh lớn chết nhiều, mà đánh lớn sẽ lôi kéo các nước lớn vào, chúng ta không kiểm soát được, cứ giữ mức độ nhỏ chờ biến chuyển thế giới”. Biến chuyển thế giới ở đây có phải là sự sụp đổ ở Liên Sô năm 1989 chăng? Vì trong quyển Chính Đề Việt Nam, ông Ngô Đình Nhu đã viết trước năm 1963 rằng: "Liên Sô sẽ bỏ Cọng sản để về với Tây Phương, nhưng một trận chiến lớn hơn đang manh nha đó là Trung Cọng sẽ đụng độ với Tây Phương". Quả là ngày nay có thật. Với tầm nhìn như thế, anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm xứng đáng là người lãnh đạo quốc gia. Thử hỏi có ai trong số những người chống đối ông có được cái nhìn xa và chính xác như vậy không?  Ông chủ trương không mở rộng chiến tranh để quê hương không bị tàn phá và giữ được sinh mạng của người dân.
Xin nêu thêm một số sự việc trong rất nhiều nghĩa cử chứng tỏ lòng nhân đạo của Tổng Thống:
-  Với người đã ám hại Ông. Ngày 22 tháng 2 năm 1957 trong ngày Hội chợ tết tại Ban Mê Thuột, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị tên Cọng sản Hà Minh Trí 22 tuổi dùng súng ám sát ông. Tổng Thống  không cho tử hình tên Hà Minh Trí mà còn cho sống tới ngày ông bị ám hại, và còn sống cho đến ngày 30.4.1975, được Cọng sản tuyên dương anh hùng.
- Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cho tu sửa phần mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc là cha Hồ Chí Minh ở Miền Tây. Thật là một hành động vừa nhân đạo vừa chính trị để giảm cường độ chiến tranh thật khôn ngoan không chê vào đâu được.
- Với phi công Phạm Phú Quốc, trong vụ phản bội đánh bom Dinh Độc Lập vào năm 1962, Ông đã không cho truy tố mà còn cho tùy viên Lê Châu Lộc xuống tận phòng giam xem anh ta có bị tra tấn không?
- Tổng Thống chỉ thị sớm thả Nhất Linh Nguyễn Trường Tam dù ông nầy có tham gia cuộc đảo chánh bất thành năm 1960, và kéo dài thời gian đến tháng 7 năm 1963 mới cho đưa các bị can trong cuộc đảo chính ấy ra tòa, trong vụ nầy Phan quang Đán bị 10 năm.
- Ngay cả lúc nguy hiểm đến tính mạng của ông mà Tổng Thống vẫn không cho lấy lính quốc gia đánh lính quốc gia để cứu ông. Chúng tôi xin trích câu hỏi số 22 trong 29 câu hỏi mà ông Minh Võ đã phỏng vấn ông Cao Xuân Vỹ.

Câu 22. Ông Minh Võ hỏi: "Trong cuốn Nhớ Lại Những Ngày ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cựu đại tá Nguyễn Hữu Duệ viết rằng, ông ta xin phép Tổng Thống đem xe tăng thiết giáp lên bộ tổng Tham Mưu để bắt các tướng và dẹp đảo chính. Nhưng Tổng Thống không cho. Ông có biết chuyện này không?

Ông Cao Xuân Vỹ Đáp: "Lúc ấy tôi đang ở bên Tổng Thống Diệm và ông Nhu tại dinh Gia Long. Chính tôi nghe điện thoại của ông Duệ và trình lên Tổng Thống.
Tổng Thống la tôi: Các anh muốn gì? Ở với tôi bấy lâu mà không hiểu ý tôi sao? Dân Nghệ An các anh chỉ thích làm loạn. Đem quân đội chống quân đội là cách bảo vệ tổ quốc hả? Tôi thưa: Nhưng người ta đánh mình thì mình phải đánh lại chứ Tổng Thống. Chẳng lẽ để phải chết sao?"...

Khi đương thời Tổng Thống đã xử với Dương Văn Minh như thế nào? Dương văn Minh là anh ruột Dương văn Nhật, Dương văn Nhật là đảng viên CS tập kết ra Bắc, được đảng CS đưa về Sài Gòn hoạt động, ẩn náu trong nhà Dương văn Minh, bị ông Dương văn Hiếu Trưởng Đoàn-Công-Tác-Đặc-Biệt-Miền-Trung bắt giam. Lập hồ sơ truy tố, nhưng Tổng Thống Ngô Đình Diệm chỉ thị, đem Dương văn Nhật sang Miên thả, Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn xé hồ sơ nội vụ, vì sợ Mỹ biết, chê cười tướng miền Nam bao che Cọng sản. Việc thay đổi không cho Dương văn Minh trực tiếp cầm quân nữa đã làm Dương văn Minh bất mãn, mà cho sao được nữa, vì Dương văn Minh đã nuôi CS trong nhà . Việc Tổng Thống Ngô Đình Diệm thả Dương văn Nhật sang Miên mà không truy tố, là quá nhân đạo, có lợi cho Dương văn Minh. Vì nếu truy tố Dương văn Nhật thì Dương văn Minh là kẻ chứa chấp làm sao không có tội? Mà truy tố Dương Văn Nhật thì Tổng Thống Ngô Đình Diệm ăn nói thế nào với người Mỹ để giữ uy tín cho Dương văn Minh?  Tổng Thống Diệm thả Dương văn Nhật còn có hàm ý cho Bắc Việt thấy miền Nam hòa hoãn. Nhờ vậy, phe Cọng sản quốc tế không cho Bắc Việt xua quân ồ ạt như khi ông Diệm đã chết.
Lòng nhân đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vươn ra tới Tây Tạng. Nhà báo Trần Trung Đạo dưới tựa đề:  TT Ngô Đình Diệm đã từng giúp gạo cho dân Tây Tạng tỵ nạn tại Ấn Độ? (Với 1500 tấn gạo), viết ngày 26.8.2014 trên báo " Đàn Chim Việt". Xin trích một đoạn của bài báo:
" Về mặt nhân đạo, việc cố Tổng thống Ngô Đình Diệm tặng gạo cho nhân dân Tây Tạng phát xuất từ tình người. T T Ngô Đình Diệm đâu cần phải vượt qua hàng rào tôn giáo như người viết bài gán ghép cho cố Tổng Thống. TT Ngô Đình Diệm cũng không phải “âm thầm” giúp đở chỉ vì ngài là “Tổng Thống Công Giáo” mà lại giúp đỡ “những người Phật Giáo Tây Tạng”. Đạo Công  Giáo chẳng những không cấm cản mà còn khuyến khích con cái Chúa giúp đỡ những người khó khăn, đói khát, chịu đựng không cùng tôn giáo. Hình ảnh Mẹ Teresa sẽ mãi mãi như ánh trăng thương yêu soi sáng sông Hằng Hindu Ấn Độ. Hàng triệu người Việt tỵ nạn Cọng sản sau 1975 đã vượt qua được chặng đường đầu đầy khó khăn, phần lớn cũng nhờ vào bàn tay cứu giúp của những người không cùng tôn giáo.
Về mặt chính trị, cố Tổng thống Ngô Đình Diệm chắc chắn biết rằng Việt Nam Cộng Hòa và Tây Tạng có nhiều điểm giống nhau về hoàn cảnh lịch sử và địa lý chính trị. Hai dân tộc từng chịu đựng dưới ách thống trị của phong kiến Trung Hoa, hai quốc gia nhỏ chịu số phận vùng trái độn sát biên giới Trung Cộng, hai cuộc di dân tìm tự do trong đói khát, chịu đựng, viện trợ gạo, do đó, là một cách để thế giới thấy rằng Việt Nam Cộng Hòa luôn đứng về phía những người cùng chiến tuyến tự do. Ngày nay rất nhiều quốc gia có cảm tình với Tây Tạng nhưng trong thời điểm 1960 chỉ vỏn vẹn bốn quốc gia, trong đó có Việt Nam Cộng Hòa đã đóng góp trực tiếp vào việc cứu trợ dân tỵ nạn Tây Tạng. Và trong số bốn quốc gia, Việt Nam Cộng Hòa có thể là nước nghèo nhất về của cải nhưng giàu hơn nhiều cường quốc về lòng nhân đạo." (hết trích báo).
- Lá thơ cảm ơn Tổng Thống Ngô Đình Diệm của bà Từ Cung mẹ Vua Bảo Đại đã xác nhận rằng hằng năm bà  vẫn được Tổng Thống chu cấp tiền nuôi sống. Đây cũng là một nghĩa cử tình người đáng trân trọng của Tổng Thống Diệm.
Nhắc lại giai đoạn lịch sử nầy, mà không nhắc đến người chịu trách nhiệm chính cho vận mạng miền Nam là một thiếu sót. Vì nếu ông Ngô Đình Diệm còn lèo lái con thuyền miền Nam thì Nga sô không cho Bắc Việt xe tăng T 54, pháo lớn 122li hay 130li thì không có ngày 30.4.1975. Trước 1963 làm gì có súng AK, B40, làm gì có đại bác 122 li, 130li, điều đó cũng có nghĩa là Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngăn chận chiến tranh từ Liên Xô.

Kết thúc hội nghị Giơ-ne-vơ 1954, thủ tướng Trung Cọng Chu Ân Lai đề nghị với người đại diện phía quốc gia, là BS Trần văn Đỗ họ muốn đặt đại sứ tại Sài Gòn, mà Trung Cọng đã nghĩ đến điều đó, thì Liên Xô đương nhiên phải thấy? Để chứng minh điều đó năm 1957 lãnh tụ Liên Xô là tổng bí thư Khrushchev đề nghị cho VNCH là miền Nam và VNDCCH là miền Bắc cùng vào LHQ. Khi đó Trung Cọng và Nga Sô chỉ muốn lôi kéo Nam Việt Nam đừng quá nghe Mỹ.  Việc ông Ngô Đình Diệm chống Pháp từ quan, và việc cha ông Ngô Đình Diệm là cụ Ngô Đình Khả chống Pháp đày Vua Thành Thái đến nỗi mất chức, là điều thuận lợi cho việc chống đế quốc của phe Cọng Sản. Họ chỉ nhìn ông Ngô Đình Diệm mà quyết định hòa hoãn hay chiến tranh, đúng như cục diện miền Nam đã xảy ra như vậy. Giai đoạn chót, khi biết cuộc chiến không thắng nổi, Mỹ cũng phải nói chuyện với Trung Cọng và đi đêm với Bắc Việt, điều mà trước đây Mỹ không cho ông Diệm làm mà còn giết ông nữa. Xem ra, Tổng Thống Ngô Đình Diệm thấy trước phải làm gì trước khi người Mỹ thấy.

Hôm nay là ngày Lễ giỗ thứ 52 của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tôi xin đọc lại lời nhận xét của cố TT Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch  như một lời trong điếu văn của Tưởng Tổng Thống: "Người Mỹ phải chịu trách nhiệm năng nề trong việc hạ sát xấu xa nầy Trung Hoa Dân Quốc mất đi một đồng chí tâm đầu ý hợp. Tôi khâm phục ông Diệm ông xứng đáng là một lãnh tụ lớn của Á Châu. VN có lẽ phải mất tới 100 năm nữa mới tìm được một lãng tụ cao qúy như vậy ".

Xin mượn lời đại sứ Pháp Jean Marie Mérillon viết ngày 30.04.1975 khi ông bị Lê Đức Thọ đui ra khỏi Sài Gòn làm câu kết bài viết của tôi hôm nay. Đại sứ viết:
"Sau hết, chế độ Việt Nam Cộng Hòa thua, nhưng thật ra người Việt Nam chưa thua cộng sản. Trận chiến chưa chấm dứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975". 
Khối TT NĐD Đức Quốc

Nguyễn Duy Sâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét