Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc chân thành kính chúc Qúy Độc Giả an bình và hạnh phúc

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

GIA TÀI CỦA TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ NGÔI NHÀ ÔNG ĐỊNH VỀ HƯU

Lời mở đầu

Tôi tin ở phúc đức và nhất là ở số tử vi. Ngày mới ra đời, ông cố nội cho cha tôi biết sau khi lấy lá số của tôi.

- Ta chắc sau này nước ta sẽ loạn, vì số thằng này phát võ. Kể cả mấy anh chị em của nó cũng phát võ, và chồng của con gái cũng là võ quan. Ngoài ra con nhà Mại (tên ông chú tôi) cũng đều phát võ cả, kể cả các con cái người làng ta cũng vậy.

- Con sau này lúc về già sẽ ở với thằng này. Số nó có tử vi cư Ngọ ở cung Thiên Di, tức là được ở gần những người lớn đứng đắn, không chừng được ở cạnh vua nữa.

Sau này được ở cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm để lo an ninh cho ông, tôi mới nhớ lại lời cha tôi kể.

Được ở gần vị Tổng Thống đức độ, nhân ái và yêu nước, tôi rất hãnh diện và đã trung thành với ông cho đến cuối đời ông, mặc dù bao nhiêu cám dỗ về tiền bạc và công danh, mà phía đảo chánh hứa dành cho tôi, nếu tôi phản bội ông.

Tôi viết bài này để tưởng nhớ tới người yêu nước thương dân.

.Năm 1963, khi vụ Phật giáo bùng nổ, tôi thấy rõ Tổng Thống tỏ vẻ buồn rầu. Một cận vệ của Tổng Thống kể với tôi, có đêm lúc 2, 3 giờ sáng, ông bỏ phòng ngủ ra ngoài hành lang đi lại có vẻ nghĩ ngợi. Cận vệ phải đánh thức sĩ quan tùy viên và sĩ quan cận vệ để đi theo ông. Thấy đông người xung quanh, ông lại lững thững vào phòng.

.Một chiều Chủ nhật khoảng 4 giờ, được Tham mưu Biệt bộ gọi điện thoại cho biết Tổng Thống muốn ra ngoài, đi thăm nhà Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ ở đường Chi Lăng, sau sẽ đến thăm nhà ông Nguyễn Lương, bộ trưởng Tài Chánh ở đường Trương Minh Ký. Tôi hỏi lại số nhà của hai ông để lo an ninh, sau đó lên dinh Gia Long tháp tùng Tổng Thống.

.Vì đi bất thường nên thủ tục về an ninh không có gì phải lo nhiều. Nhưng tôi cũng phái một số binh sĩ của Lữ Đoàn Phòng Vệ đến trước những nơi đó để giữ an ninh. Tháp tùng Tổng Thống chỉ có cận vệ, hai xe Cảnh sát mở đường, và xe của tụi tôi mà thôi.

.Khi đến nhà Phó Tổng Thống, vì được báo trước, ông đã ra đón sẵn ở cổng. Đó là ngôi nhà khá lớn, hai tầng lầu, trông đẹp và to nhất ở khu ấy.

.Vì mới xây xong, trong nhà đồ đạc chưa có gì. Phó Tổng Thống mời Tổng Thống lên phòng khách ở lầu một. Cả phòng chỉ có một ghế bành để Tổng Thống ngồi, hai ông bà đứng hai bên. Thấy vậy, Tổng Thống không ngồi và ngỏ ý muốn đi xem vườn, vì nghe nói có người Nhật vẽ kiểu đẹp lắm.

.Ông được hướng dẫn ra thăm vườn. Tôi thấy vườn khá đẹp, nhưng hơi nhỏ, có mấy tảng đá to, có nước chảy và mấy cây thông, cây liễu khá lớn v.v… Tổng Thống cũng khen là xếp đặt khéo, nhưng nhà to mà vườn quá nhỏ, trông không xứng.

.Rồi hai vị đi quanh sân, chỉ trỏ ngôi nhà, bàn về kiến trúc khá lâu. Sau ông được mời lên lại phòng khách để uống trà, nhưng ông từ chối và ra xe lên thăm nhà ông Nguyễn Lương ở đường Trương Minh Ký. Cũng là ngôi nhà mới xây xong, và hình như không có người ở nhà, vì cổng khóa. Tổng Thống chỉ ngừng xe nhìn vào nhà khá to và cũng đẹp nhất khu này, nhưng vườn phía trước nhà quá nhỏ và chả có gì đặc biệt.

Thay vì về lại dinh Gia Long, ông đổi ý, muốn đi thăm nhà ông chủ tịch Quốc Hội Trương Vĩnh Lễ, và nhà ông bộ trưởng Nội Vụ, ở khu làng đại học Thủ Đức.

.Vì không được báo trước, cả hai ông đều đi vắng, Tổng Thống chỉ xuống xe xem phía ngoài. Những nhà này đều xây khá lâu rồi nên nhà nào cũng có cây to bóng mát vườn rộng nhà ông Trương Vĩnh Lễ có cả hồ bơi. Ông có vẻ thích thú, khen khu này xa thành phố, rộng rãi và yên tĩnh.

.Ít lâu sau, khi lên Đà Lạt nghỉ cuối tuần, sáng Chủ Nhật ông đòi đi xem nhà của ông bà Nhu mới mua (tôi nhớ hình như ở đường Bùi Thị Xuân). Nhà của cả hai vợ chồng ông Nhu, nhưng ai cũng gọi là “biệt thự bà Nhu”.

.Khi đến ông đi thăm vườn trước – vườn này đang sửa lại, có hai người làm và cũng do một người Nhật vẽ kiểu. Cây cối còn nhỏ và chưa có hoa nên chả có gì đặc biệt. Chỉ có hai cây tùng bút khá lớn ở ngay trước cửa nhà là ông khen đẹp mà thôi.

.Nhà trệt, có bốn phòng ngủ khá lớn và hai phòng ngủ nhỏ. So với các nhà ông đã xem ở Sài Gòn và Thủ Đức, cùng các biệt thự đẹp ở Đà Lạt thì ngôi nhà này kém xa. Ông chê: Thế mà bảo đẹp, ngó chả ra chi! (sau đảo chánh ai cũng nói nhà to, đẹp, và rất lộng lẫy. Còn mở cửa cho dân chúng vào xem. Sau nghe nói chỉ có một số người đến coi rồi chả ai đến nữa, vì chẳng có gì đáng coi).

.Cụ Lại Mấn (thân sinh của cụ Lại Tư, phó chủ tịch Quốc Hội), là nghị viên tỉnh Thái Bình, bạn thân của ba tôi (cũng là nghị viên của tỉnh Hưng Yên cùng thời với cụ), kể cho ba tôi nghe.

- Đây là ngôi nhà đầu tiên của vợ chồng ông Nhu, xưa nay ông bà chưa có cái nhà nào, suốt đời đi ở nhờ. Ngày ở ngoài Bắc thì ở nhờ nhà ông bà Trần Văn Chương là cha mẹ của bà Nhu. Tại Huế thì ở nhà ông bà Cả Lễ, anh rể và chị ruột của ông Nhu. Vào Sài Gòn thì ở nhờ nhà của địa phận Vĩnh Long mà Đức Cha Thục làm Giám mục. Có một thời ở Đà Lạt thì ở nhờ nhà bác sĩ Đôn, là thân phụ của Trung Tướng Trần Văn Đôn. Ông Nhu thời Pháp làm cũng khá lương, nhưng không đủ tiền mua nhà, và cũng đổi chỗ ở nhiều lần.

.Vì cụ Lại Mấn là nhà thầu nên bà Nhu nhờ cụ mua hộ một số vật liệu để sửa nhà. Nhờ thế, cụ biết rõ ông bà Nhu không có tiền nhiều, và bà rất dè sẻn trong việc mua bán.

.Sau khi thăm nhà ông bà Nhu, Tổng Thống lại đi thăm khu đất của ông Đức Âm (một nhà kim hoàn giầu có nổi tiếng ở Sài Gòn). Ông định mua lại khu đất này để làm ký túc xá sinh viên cho học sinh các trường Quốc Gia Nghĩa Tử và Thiếu Sinh Quân, sau khi tốt nghiệp trung học muốn học đại học thì ở đó. Vì khu này gần viện đại học Đà Lạt. Ông thích khu này lắm vì đất rộng gần đường và rất đẹp. Ông nói khi về hưu thì lên Đà Lạt nghỉ ở đó với sinh viên.

.Mấy tuần sau, ông lại đi thăm ngôi vườn ở Gia Định. Nơi này, ông đặt tên là vườn Phượng Hoàng. Vườn tọa lạc giáp ranh tỉnh Gia Định và Bình Dương, gần sông Vàm Cỏ. Lần này có kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và Thiếu Tá Nguyễn Đức Xích, tỉnh trưởng Gia Định tháp tùng. Vườn này hình con phượng hoàng, có khu trồng hoa rộng, có hồ thả cá trồng sen, có nhà nguyện, trường học và một khu khá lớn đã làm xong một số nhà cấp cho gia đình tử sĩ ở. Một khu ở cạnh nhà nguyện đã được dành sẵn để làm nhà cho ông ở khi về hưu.

.Lần đầu tiên trong mấy tháng nay, tôi thấy ông vui vẻ và thoải mái.

.Sau khi cầu nguyện độ 15 phút ở nhà nguyện (tuy nhỏ nhưng kiểu đẹp lắm, do ông Ngô Viết Thụ vẽ), ông ra ngoài nói chuyện với các bà sơ và một số em nhỏ đứng quây quần quanh ông. Lúc ấy, khu vườn chưa làm xong nhưng đã xây được nhiều phòng học và các sơ đã bắt đầu dậy cho các em nhỏ ở khu gia đình tử sĩ mới dọn đến. Ý của ông là lúc đầu dựng độ chừng 100 nhà cho gia đình tử sĩ ở, sau sẽ xây dựng thêm để thành một làng tử sĩ. Khi về hưu, ông sẽ ở tại đây để trông nom các gia đình này và vui cùng các con em tử sĩ. (Tôi nghe nói ở Vĩnh Long cũng có một làng Tử Sĩ rồi nhưng chưa được đi xem).

.Sau đó, ông Ngô Viết Thụ trình ông xem họa đồ vẽ ngôi nhà ông sẽ ở. Nhà làm bằng gỗ có ba phòng ngủ và một phòng đọc sách. Ông muốn lợp tranh thật dầy cho mát và có một giàn hoa trước nhà. Tôi thấy họa đồ rất sơ sài, giống kiểu nhà ánh sáng như báo Ngày Nay đã vẽ mà tôi được đi xem khi còn nhỏ. Sau khi nghe ông nói muốn lợp tranh thật dầy, tôi nói nhỏ với một sĩ quan cận vệ đứng cạnh là nếu lợp bằng ngói đỏ cũng đẹp và mát lắm chứ. Chắc ông nghe được, ngẩng đầu nhìn tôi:

- Thôi, việc lợp tranh hay ngói sẽ tính sau.

Tôi thầm nghĩ chắc ông sẽ so sánh giá cả, rồi quyết định sau. Ở gần ông, tôi biết tính ông không muốn phung phí về tiền bạc, nhất là những gì cho ông.

.Ngày phá dinh Độc Lập để xây lại sau khi bị bỏ bom. Giá ước tính của Bộ Công Chánh chắc ông nghĩ là quá cao nên nhờ Nha Công Binh tính lại. Tôi được đứng gần ông nghe Thiếu Tá Nguyễn Văn Chức thuyết trình về ước lượng thời gian và kinh phí để phá hủy của Nha Công Binh, chỉ bằng 60% giá Bộ Công Chánh ước lượng, và thời gian ngắn hơn. Ông tỏ vẻ vui mừng và khen ngợi Thiếu Tá Chức.

Tôi cũng nhớ một hôm ở Đà Lạt, ông bảo tôi cho gọi Đại Úy Đẳng lên cho ông nhờ một việc. Đại Úy Đẳng là sĩ quan Quân cụ ở Sài Gòn theo lên Đà Lạt để bảo trì những khẩu súng săn của cựu hoàng Bảo Đại. Khi gặp Đại Úy Đẳng, ông móc túi lấy hộp thuốc lá ông dùng hằng ngày, và hỏi:

- Anh xem có thể sửa cái hộp thuốc này được không, sao nó không đóng lại được.

Tôi ngạc nhiên nhìn vào cái hộp thuốc đã quá cũ và sây sát nhiều. Ông nhìn tôi như nói cho tôi hiểu:

-Tôi thích cái hộp thuốc này vì nó nhẹ và dùng nó đã lâu, tôi còn mấy cái nữa, đẹp hơn nhưng tôi không thích. Bây giờ nhớ lại những lời ông nói tôi vẫn còn thấy xúc động.

Nhớ ngày ông đến khánh thành trường Quốc Gia Nghĩa Tử ở Sài Gòn do Đại Tá bác sĩ Trương Khuê Quan làm giám đốc. Trường lớn và đẹp vô cùng, cũng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ.

.Ông nói với Đại Tá Quan:

- Trong cuộc chiến này chỉ có con của tử sĩ là thiệt thòi nhất vì vậy tôi chọn cái tên Quốc Gia Nghĩa Tử để nhớ là quốc gia phải có bổn phận với họ. Tôi sẽ lo cho các tỉnh đều phải có trường Quốc Gia Nghĩa Tử và sau khi tốt nghiệp sẽ là các cán bộ trung thành của Quốc Gia. Ngoài ra tôi sẽ lập các ký túc xá ở gần các trường đại học cho các học sinh giỏi ở để học đại học.

.Xem họa đồ căn nhà ông dự định sẽ ở khi về hưu ở vườn Phượng Hoàng, so sánh với nhà của Phó Tổng Thống và các ông bộ trưởng, tôi nghĩ mà thương ông. Sau ngày đảo chánh, gặp ông Võ Văn Hải là chánh văn phòng và cũng là người lo giữ tiền bạc của cải cho ông, tôi hỏi ông Hải:

- Thế cụ định hết nhiệm kỳ này thì nghỉ, phải không?

- Đúng, ông cũng mệt quá rồi, nhất là sau vụ Phật giáo xảy ra.

- Thế cụ định khi về hưu thì ở đâu? Ở cái nhà tại vườn Phượng Hoàng đâu có được. Ai lo cho cụ.

- Không, cụ có tâm sự với tôi là sẽ về Huế ở với bà cụ cố. Nếu cụ cố chết sẽ vào tu ở Dòng Chúa Cứu Thế.

.Vì vậy, lương và phụ cấp của cụ đều gửi cho Cha Toán là quản lý của nhà Dòng. Còn vườn Phượng Hoàng, là chỗ ông cụ tính sẽ lên nghỉ và vui với các con tử sĩ.

- Thế lương và phụ cấp tất cả gửi Cha Toán được bao nhiêu?

- Hai triệu tám trăm ngàn (hay ba triệu vì lâu quá tôi không nhớ), số tiền này sau đảo chánh “hội đồng cách mạng” cho Trung Tướng Trần Văn Minh đến gặp Cha Toán để lấy về vì Trung Tướng Minh là người công giáo và cũng quen Cha Toán (Cha Toán sau khi giao số tiền này cho “hội đồng cách mạng” thì phải trốn sang Pháp vì sợ các tướng lãnh nghĩ ông còn giữ nhiều hơn. Khi cha trốn sang Pháp ông đi qua ngả Cao Miên, do chính tôi cho hạ sĩ Tiến tài xế của tôi lấy xe Peugeot đưa cha lên Tây Ninh. Năm 1983, tôi sang Pháp có gặp Cha và lúc ấy Cha vẫn mạnh khỏe).

- Sao họ biết là tiền gửi cho Cha Toán?

- Họ hỏi, tôi khai ra. Mà không khai cũng không được.

- Thế ông có bị đe dọa hay tra khảo gì không?

- Không, tôi và ông Dương Văn Minh khá thân. Sau đảo chánh, ông vẫn mời tôi đi đánh tennis với ông.

- Ngoài ra, ông nghĩ cụ có tiền gửi ngoại quốc không?

- Làm gì có, ông có để ý gì tới tiền bạc đâu, mà lấy tiền đâu mà gửi đi ngoại quốc. Có lần ông hỏi tôi gửi tiền ở nhà dòng được bao nhiêu, tôi thưa gần 3 triệu. Ông ngạc nhiên là sao để dành được nhiều thế? Đó là lần duy nhất ông hỏi tôi về tiền bạc.

.Tôi hỏi thêm ông Hải:

- Thế ông có biết số tiền của Tổng Thống họ dùng vào việc gì không?

- Chắc họ chia nhau chứ không thấy công bố.

- Ngoài ra họ có bắt ông khai những bí mật gì của Tổng Thống không?

- Cụ chả có gì bí mật. Mà có thì tôi cũng chả nói vì đã gọi là bí mật mà (ông cười).

- Thế cụ có viết những gì về mình không. Chẳng hạn như nhật ký và những hoạt động của cụ từ trước tới nay v.v…

- À cái này, tôi không trả lời ông được, nhưng sau này những người viết sử sẽ lo. 
- Ông có biết cụ và ông Hồ có liên lạc với nhau sau này không?

- Tôi không trả lời được câu này.

- Sao ông không viết cho người ta rõ sự hy sinh của cụ, để trả lời những xuyên tạc về cụ?

- Tôi có viết nhưng không thể phổ biến. Lúc này, mấy ai tin những người viết không đứng đắn và không có bằng cớ xác thực. Thời gian sẽ trả lời, anh tin đi, rồi sẽ có nhiều sử gia sẽ viết một cách đứng đắn về cụ.

.Ông Hải sau ngày mất nước bị kẹt ở lại và bị đi tù “cải tạo”, sau đó chết. Nhưng bà Hải còn sống, hy vọng những gì viết về Tổng Thống hãy còn lại.

.Sau này nhiều tin đồn là “Tổng Thống và ông cố vấn Nhu còn sống và đang ở Tây Ninh”. Nhưng tôi không tin. Đức Cha Nguyễn Văn Thuận là cháu của Tổng Thống có lần đến mượn xe tôi để đi Tây Ninh hai ngày, không biết có phải để tìm tin tức của Tổng Thống, hay ngài đi về việc khác.

Đại tá Nguyễn Hữu Duệ

(Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm)


Bình luận

Vi Vô Những người kề cận Cụ Ngô như Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ, Ngị sĩ Lê Châu Lộc, Đại Úy Đỗ Thọ .... đều viết sách ca tụng Ngài. Trong khi những người cận kề HCM như Trần Đĩnh, Vũ Thư Hiên ... thì lại kể ra những chuyện hãi hùng, kinh tởm !!!

Quoc Gia Nguyen Nghị sĩ Lê Châu Lộc là bạn thân của Mẹ tôi và ông là Cha đỡ đầu của tôi lúc mới được sinh ra.

Vi Vô Những bài viết hay thế này, tiếc thay không mấy ai chịu đọc.


Trầm Vĩnh Phúc Huy Ai nói anh không chịu đọc . Đọc rồi cho nên mới thấy buồn và không muốn cmt


Tranvan Choi Ông Duệ là chỉ huy lien đoàn phòng vệ tổng thống phủ cho đên ngày đảo chánh.


J.Bxta Nguyễn Quá tuyệt vời, đọc đi đọc lại 3 lần ! và muốn khóc !


Truc Nghi Nguyen Rất rất xúc động.
Dân tộc sẽ không tha thứ bất cứ chế độ nào sửa đổi lịch sử đất nước của mình.
Luôn có niềm tin là sẽ có một ngày Sử ký Việt Nam được trả về sự thật về bạn, thù, anh hùng, tội đồ của dân tộc mình.
Trân trọng.


Nhung Truong Rất thích đọc những bải viết về cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng mỗi lần đọc xong là tôi không tránh khỏi xúc động bằng giọt nước mắt xót xa!
Tôi vẫn một lòng tôn kính vị Tổng Thống đệ Nhất của VNCH !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét