Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc chân thành kính chúc Qúy Độc Giả an bình và hạnh phúc

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Biến cố 1.11.1963, sau hơn 50 năm vẫn còn bị ám ảnh


ời mở đầu: Dường như theo thông lệ hằng năm vào đầu tháng 11, người Việt quốc gia ở khắp nơi trên thế giới đều tổ chức lễ Cầu Hồn cho cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, hầu để giải oan và tôn vinh ông với những đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh, dành lại chủ quyền quốc gia, chống cả thực dân lẫn cộng sản trong mọi lãnh vực như một nhà ái quốc chân chính,
luôn nặng lòng tận tụy với tổ quốc và dân tộc, đã “Vị quốc vong thân“, ngõ hầu khơi lại một mất mát lớn trong quá khứ, đáng thương tiếc của người dân Miền Nam cách đây hơn 50 năm, đã được nhiều tài liệu gần đây ghi chép, mở mật mã qua các tài liệu đã hết mật, có thể dùng để tìm hiểu sự thật của quá khứ, kiểm chứng và đính chính lại một số sự kiện, mà nhiều tác giả có đầy thành kiến và thiên lệch đã ngụy bút, vì mục đích riêng tư để huyền thoại hóa, cố tình vô tâm thêm bớt, cắt xén lịch sử tuỳ tiện một chiều trong Hồi Ký của họ, hầu che dấu và biện minh cho sự bất lực hèn nhát trong mặc cảm tội lỗi, bất kể đến hậu quả tai hại đến tinh thần đoàn kết quốc gia và nguy hại cho đất nước. Song nhìn chung người Việt chúng ta luôn sống theo dư luận, mà dư luận lại thuộc loại dân gian truyền khẩu, thiếu trung thực, dễ bị „Tam sao thất bản“, thậm chí bịa đặt, xuyên tạc hoặc cố ý bóp méo sự thật, biến thành bôi nhọ chế độ của những thành phần đối lập không đứng đắn, làm tổn hại cho chính quyền và vị lãnh đạo quốc gia, do vậy dễ bị đối phương lợi dụng tuyên truyền.

Với tư cách là hậu sinh thuộc thế hệ trẻ thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hoà, học tập và lớn lên tại hải ngoại, thuộc loại nghiệp dư (Amateur), song với niềm đam mê tìm hiểu lịch sử cận đại Việt Nam vì sở thích, nhưng không tham khảo theo lối đọc như một „Thánh Kinh“, mà có cái nhìn và phán đoán riêng cho từng tác phẩm trong hồi ký…, nhằm trích dẫn và trình bày lại vài nét về chân dung cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm với những bài học lịch sử cũng như nhắc lại những biến cố, những hậu quả của việc lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ngõ hầu đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu về một quá khứ, gây nhiều tranh cãi và ấm ức của các thế hệ trẻ cùng lứa tuổi qua trang sử của 9 năm thăng trầm hưng thịnh „Đệ Nhất Cộng Hoà“ với câu nói của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm nhân ngày Lễ Quốc Khánh 26.10.1963: „Tôi tiến, hãy theo tôi, tôi lùi, hãy bắn tôi, tôi chết, hãy noi gương tôi. Tôi không phải là thần thánh, tôi chỉ là một người bình thường, tôi chỉ biết thức khuya, dậy sớm làm việc, một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc.“

Vài nét đại cương về TT Ngô Đình Diệm trong bối cảnh lịch sử của đất nước.

Ông Ngô Đình Diệm sinh ngày 03 tháng 01 năm 1901 tại Huế, là người con thứ 3 trong một gia đình qúy tộc nề nếp có 9 người con nhiều đời làm quan trong triều đình nhà Nguyễn. Thân phụ của ông Ngô Đình Diệm là cụ Ngô Đình Khả, làm quan triều vua Thành Thái (Cụ Ngô Đình Khả bị sa thải vì không hướng dẫn vua Thành Thái theo ý muốn của người Pháp, và không ký tên vào tờ biểu yêu cầu vua Thành Thái thoái vị theo lệnh của khâm sứ Pháp). Ông Diệm thuộc gia đình Công Giáo có tên thánh là Gioan Baotixita, rất trọng Nho Giáo và từng tuyên bố “bất cộng đái thiên” (không đội trời chung với Cộng sản). Ông có người anh làm Tổng Giám Mục Huế là Đức Cha Ngô Đình Thục và là cậu ruột của Đức Hồng Y Nguyễn VănThuận. Trong cuộc đời chính khách ông không lập gia đình, không cưới vợ và sinh con.

Về đường học vấn, lúc thiếu thời ông theo học tại trường Quốc Học Huế, rồi trường Hậu Bổ của Pháp ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa chuyên hành chánh, chính trị và luật pháp ông Diệm được bổ nhiệm làm quan với chức vụ như Tri Huyện, Tri Phủ, sau đó làm Tuần Vũ vào năm 1930. Đến năm 1932 lúc đó mới 31 tuổi, sau khi nhận chức vụ Thượng Thư Bộ Lại, ông đã khẳng định „được ăn cả ngã về không“ (tout ou non/all or nothing), chứ không chấp nhận „hư vị“, trong nỗ lực thách thức quyền lực của cả nước Pháp với đề nghị kế hoạch táo bạo canh tân xứ sở, thay thế guồng máy cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam như cải tổ Viện Dân Biểu, để người hiền tài trong quần chúng có thể tham gia vào chính quyền, lập hiến pháp để mở đường giải thoát đất nước, yêu cầu nhà nước Pháp giảm sưu thuế v.v, nhưng không được toàn quyền Pháp quan tâm và chấp thuận. Trong hoàn cảnh hữu danh nhưng vô thực ấy ông đã cởi áo từ quan chức vụ Thượng Thư Bộ Lại (tuơng đương chức Thủ Tướng) ngày 12 tháng 7 năm 1933 như một hình thức phản đối và cho người Pháp biết rằng, một nhà nho nặng lòng với quốc gia như ông, không bao giờ quỵ luỵ cầu cạnh kẻ có quyền chức. Do vậy thậm chí vào những năm 1937, 1945 và 1948 ông Diệm cũng đã ba lần từ chối lời mời của vua Bảo Đại ra lập nội các.

Thế nhưng sau khi Điện Biên Phủ thất thủ (07.05.1954), một lần nữa với lòng ái quốc và trách nhiệm của ông trước sự tồn vong của dân tộc, ông Diệm lại được vua Bảo Đại yêu cầu nhận lãnh sứ mạng về nước lập chính phủ thay thế hoàng thân Bửu Lộc ngày 26.6.1954. Song theo Lm. Cao Văn Luận nhân chứng ghi lại trong hồi ký Bên Giòng Lịch Sử của ngài: ”Trong tình thế quá đen tối này ngoài ông Diệm ra, không một nhân vật quốc gia nào lúc ấy dám có khí phách nhận lãnh Lá Cờ Quốc Gia, để giải cứu Quê Hương Việt Nam, do vậy Bảo Ðại đưa Ngô Đình Diệm về Việt Nam là để đốt cháy tương lai chính trị của ông mà thôi!”, vì khi ông Diệm trở về nước và ra mắt Thủ Tướng kiêm Quốc Phòng Chính phủ ngày 7 tháng 7 năm 1954 (ngày song thất) trong bối cảnh đất nước đang rơi vào tình trạng bi đát của Hiệp Định Genève được ký kết ngày 21 tháng 7 năm 1954 giữa thực dân Pháp và Việt Minh, lấy vĩ tuyến 17, dọc sông Bến Hải, thuộc tỉnh Quảng Bình, làm giới tuyến, chia đôi Việt Nam thành hai miền Nam Bắc, hầu có thể chấm dứt một cuộc chiến tranh bằng biện pháp chia đôi lãnh thổ, nhưng sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh khốc liệt khác..., khiến một khối khổng lồ đồng bào gần một triệu người cùng với 300 ngàn binh sĩ và gia đình thuộc Quân Đội Quốc Gia Việt Nam di cư vào Nam, gây khó khăn đầu tiên cho chính phủ.

Việc đất nước phải bị chia cắt là một thảm họa của dân tộc Việt Nam, chứa chan bao kỷ niệm đau thương, chia lìa và nhục nhã của sự phân tranh Nam Bắc. Trên 150 năm trước đây cũng đã một lần xảy ra trong lịch sử của đất nước, khi hai họ Trịnh, Nguyễn cắt đôi giang sơn (Đàng Trong và Đàng Ngoài), chỉ vì tranh giành quyền bính trước một cơ đồ nhà Hậu Lê đã đến thời suy mạt, kéo dài hơn 150 năm (1627-1789). Sự kiện lịch sử này đã mang bao nhiêu đau thương tang tóc cho dân Việt giữa hai bờ sông Gianh, khiến người đời nguyền rủa cho đến ngày nay. Chính vì vậy mà ngày 22.07.1955 Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã ra lệnh treo cờ rũ (quốc tang) trong 3 ngày, ngõ hầu giúp toàn dân ghi nhớ „Ngày Quốc Hận 21.07.1954“ (sau 1975 Ngày Quốc Hận được đổi vào ngày 30.04 thay vì Ngày Quốc Nhục, Ngày Mất Nước) và lên án Bắc Việt cùng Thực Dân Pháp trên đài phát thanh đã chia cắt đất nước, dẫn đến nhiều gia đình bị phân chia và ly tán trong cuộc chiến tranh ghê tởm huynh đệ tương tàn.

Dẹp loạn hiện tượng 12 sứ quân và những thành công lớn của ông Diệm

Sử sách còn ghi: Sau khi cuộc chiến đấu của An Dương Vương bị thất bại, dẫn đến cơ đồ của Âu Lạc bị chìm đắm trong Bắc thuộc. Đinh Tiên Hoàng (924-979) là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, sáng lập triều đại nhà Đinh với tư cách người đứng đầu một vương triều bề thế của nước Đại Cồ Việt, trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thảm họa hơn 1000 năm bị giặc Tàu đô hộ, mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ.

Để nối tiếp bóng dáng “cờ lau tập trận” trong công cuộc giành lại độc lập của Đinh Bộ Lĩnh, ông Diệm đơn độc trở về nước lập chính phủ với hai bàn tay trắng trong tình thế đất nước rơi vào một tình trạng tứ bề thọ địch, thách thức và nghiệt ngã nhất, hầu như tuyệt vọng với ngân quỹ trống rỗng, nhân lực thiếu thốn trầm trọng, quân đội thất tán, binh lực vá víu, lòng người còn ngơ ngác hoang mang với một khối lượng người đông đảo di cư tới một triệu người, đã thế ông không được chính phủ Bửu Lộc bàn giao. Ngoài cái dinh Gia Long rỗng tếch không có một tiểu đội canh gác, đến nỗi tổng thống Phi Luật Tân Magsaysay phải gửi chuyên viên quân sự sang giúp thành lập và huấn luyện Tiểu Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, hầu hỗ trợ cho người bạn cô đơn của mình. Trong khi đó Quân Đội Quốc Gia Việt Nam còn phụ thuộc vào bộ chỉ huy Pháp do tướng Nguyễn Văn Hinh chỉ huy tham mưu trưởng (có quốc tịch Pháp và vợ đầm), công khai tuyên bố không tôn trọng sự lãnh đạo của Thủ Tướng Diệm và thề sẽ lật đổ ông. Công an đô thành Sài Gòn thì trong tay Lực lượng Bình Xuyên, một tổ chức bán quân sự hoạt động của xã hội đen tại Sài Gòn được Pháp đứng sau hỗ trợ và trả lương, dưới quyền chỉ huy của Lê Văn Viễn (tức Bảy Viễn một tướng cướp lừng danh trước năm 1945, sống ngoài vòng pháp luật). Còn miền Tây Nam kỳ lục tỉnh thì do Cao Đài kiểm soát và miền Đông thuộc Lực lượng giáo phái Hòa Hảo, dưới quyền chỉ huy quân đội Lê Quang Vinh (Ba Cụt). Riêng Quốc Trưởng Bảo Ðại thì không tận tình hỗ trợ ông Diệm, mặc dù đã nài nỉ ông ra chấp chánh, vì ngay từ nhỏ vua Bảo Ðại đã bị thấm nhuần những nếp sống xa hoa hào nhoáng, thượng lưu vương giả, do thực dân Pháp đào tạo nhồi nhét, để rồi bị khống chế hoàn toàn. Trong khi đó Mỹ mới nhẩy vào chiến trường Miền Nam và chưa có một chủ trương rõ ràng.

Ngoài những khó khăn trên, ông Diệm còn phải đối phó với ý đồ đen tối của thực dân Pháp, luôn tìm đủ mọi thủ đoạn phá chính phủ và cá nhân ông Diệm. Chẳng những họ đả kích trên sách báo, đài phát thanh, còn bịa đặt và loan tin bất lợi cho chính phủ và nhất là tăng cường sức mạnh cho phe Bình Xuyên và các giáo phái, rồi xúi dục và tìm cách mua chuộc các phần tử này làm „mồi câu“ chống chính phủ. Hậu quả của thủ đoạn ấy đã khai sanh ra tinh thần „lãnh chúa’’ nơi những người Lãnh Ðạo Giáo Phái cũng như hàng chục ngàn người Cộng Sản nằm vùng, làm gián điệp nhị, tam trùng, v.v. luôn quấy nhiễu, ám sát, bắt cóc, khủng bố phá rối trị an, làm lòng dân ly tán.

Ấy vậy trong bối cảnh hỗn loạn do „Nội công ngoại kích“ của nạn “sứ quân” mà thù địch gây ra với nhiều lực lượng riêng biệt và nhiều lãnh chúa địa phương có sắc thuế do địa phương tự trị và tự đặt ra do ngoại bang giựt dây, song ông Diệm đã hành động đúng vai trò của một người Lãnh Ðạo Quốc Gia là không thể duy trì tình trạng quái gở và hỗn loạn do nhiều Quốc Gia trong một Quốc Gia, nên viêc đầu tiên Thủ Tướng Ngô Đình Diệm làm là thu phục Dũng Tướng Trịnh Minh Thế, Tướng Nguyễn Thành Phương tư lệnh các lực lượng Cao Ðài và kêu gọi quân đội giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo giải giới sáp nhập vào quân đội quốc gia, rồi cất chức tướng Hinh và bổ nhiệm tướng Lê Văn Tỵ lên thay tham mưu trưởng, để ông nắm toàn quyền chỉ huy và kiểm soát quân đội. Sau đó ông Diệm ra lệnh đóng cửa các sòng bài Đại Thế Giới, Kim Chung và xóm điếm Bình khang, tức trực tiếp phá vỡ ngay nguồn tài chánh khổng lồ duy nhất của lực lượng Bình Xuyên, vì lâu nay bọn này làm giàu với sự độc quyền về cờ bạc, đĩ điếm và thuốc phiện. Sau đó dẹp toàn diện lực lượng Binh Xuyên tại cầu chữ Y và cuối cùng tại Rừng Sát. Vụ việc nầy gián tiếp cắt nguồn tài chánh của Vua Bảo Đại, vì trước đây mỗi ngày Bình Xuyên phải đóng hụi chết cho Vua Bảo Đại đúng 1 triệu đồng, theo hối xuất thời đó là trên 28,500 dollar mỹ, để rồi do sức ép của chính trị, dẫn đến một cuộc Trưng Cầu Dân Ý được tổ chức ngày 23.10.1955 do Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng gồm nhiều nhân sĩ của các đảng phái và giáo phái ủng hộ Thủ Tướng Diệm đề xuất truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại, đưa Thủ Tướng Ngô Đình Diệm trở thành Quốc Trưởng, và Đệ Nhất Cộng Hoà được thiết lập ngày 26 tháng 10 năm 1955, khởi đầu cho Thể Chế Tự Do Dân Chủ đầu tiên trên „Việt Nam, Quê Hương Ngạo Nghễ“ mà Thủ Tướng Ngô Đình Diệm được xác nhận là Nguyên Thủ Quốc Gia, dưới danh xưng là Tổng Thống, kiêm chức Thủ Tướng với tối đa 2 nhiệm kỳ và mỗi nhiện kỳ là 5 năm. Cũng trên cương vị Tổng Thống VNCH mà ông Diệm căn cứ vào các thỏa ước đã ký kết, thừa nhận và hoàn thành nền độc lập của Việt Nam, để đòi Pháp trao trả các quyền tự chủ và tài sản của một quốc gia độc lập mà Pháp còn sử dụng hay nắm giữ như Dinh Độc Lập (Tên gọi trước đây là dinh Norodom), Tiền Đông Dương… , trước khi ông tống khứ toàn đạo quân viễn chinh 150.000 quân Pháp vĩnh viễn ra khỏi Việt Nam, để cờ vàng ba sọc đỏ ngạo nghễ tung bay thay cờ tam tài (cờ Pháp), đánh dấu chấm dứt gần 100 năm đô hộ (1884-1956).

Thế nhưng trong tiềm năng với nền Tự Do Dân Chủ phôi thai vừa mới lấy lại từ tay Thực Dân Pháp, song đất nước vẫn còn đang trong hiểm họa của một cuộc chiến tranh chống cộng tiềm tàng, mà theo ông Diệm quân đội Việt Nam Cộng Hoà phải là cái xương sống vững chắc của đất nước, do vậy ông đã cho xây dựng Trường Võ Bị Quốc Gia tối tân nhất Đông Nam Á, cũng như chú trọng đến việc phát triển Trường Bộ Binh Thủ Đức, Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, các Trường Hải Quân, Không Quân, ngõ hầu đào tạo cho đất nước những cấp chỉ huy và lãnh đạo trẻ đầy tài năng, để có thể cùng quân đội đương đầu với một cuộc xâm lược đến từ phương Bắc. Và với chiến lược có tầm nhìn xa hơn nữa, trong nỗ lực tri ân những người lính đang anh dũng chiến đấu dưới Lá Cờ Vàng hoặc đã hy sinh trên chiến trường, và trong tiềm năng ưu tư cho số phận của những tử sĩ có con côi và góa phụ, Tổng Thống Diệm đã cho thành lập trường Thiếu Sinh Quân và cho xây cất những trường Quốc Gia Nghĩa Tử, ngõ hầu nuôi nấng con em thành người hữu dụng cho xã hội và cán bộ tài năng cho quân đội cũng như con em chiến sĩ trận vong được vào học miễn phí, các học sinh xuất sắc được cấp học bỗng du học ngoại quốc.

Khi tất cả những lực lượng võ trang giáo phái đã được bình định trong một quân đội quốc gia vững chắc. Tiếp theo là tiến trình kiến thiết kỹ nghệ hóa đất nước, tái thiết đường xe lửa xuyên Việt Nam từ Sài Gòn chạy ra Huế giáp đến vĩ tuyến 17 và Quốc Lộ số 1. Xa lộ Biên Hòa được xây dựng. Thành lập Nguyên Tử Lực. Xây cất lò phản ứng hạt nhân và đập thủy điện Đa Nhim tại Đà Lạt. Kế đến chính phủ Ngô Đình Diệm cũng bắt đầu thực hiện một „kế hoạch 5 năm“, để kỹ nghệ hoá xứ sở, biến Miền Nam bắt đầu xuất cảng nhiều triệu tấn gạo để lấy ngoại tệ. Nhiều nhà máy dệt, nhà máy giấy, các viện bào chế dược phẩm, nhà máy ván ép, nhà máy điện với các máy móc và kỹ thuật tối tân được xây cất. Ngoài những trường đại học và trung tâm kỹ thuật, văn hóa như đại học Sài Gòn, Huế và Đà Lạt, Trường Kỹ Thuật Phú Thọ, Trường Mỹ Thuật và học viện Quốc Gia Âm Nhạc, Viện Quốc Gia Hành Chánh được thành lập ngay từ năm 1956, ông Diệm còn cho soạn thảo các chương trình giảng dậy bằng tiếng Việt thay tiếng Pháp trong các trường Y, Nha, Dược, Bách Khoa, Luật Khoa cũng như các trường võ bị Sĩ Quan.

Ngoài ra chương trình cải cách điền địa đi song song với các chương trình khu dinh điền, khu trù mật, và chương trình định cư dân di cư, đã góp phần tạo điều kiện cho khoảng một triệu mẫu ruộng được phân chia cho nông dân, ngõ hầu giúp toàn dân được cơm no áo ấm hạnh phúc, cùng với những tiện nghi công ích mà người dân được hưởng. Chương trình này không giống như “Cải Cách Ruộng Đất” của miền Bắc đã được áp dụng trước ngày chia đôi đất nước, một hình thức giết địa chủ, bắt nông dân vào “hợp tác xã, làm ăn tập thể“, dẫn đến tình trạng „có làm mà không có ăn“.

Riêng vùng cao nguyên, trong công cuộc định cư này chẳng những khai khẩn đất hoang hay đất rừng, góp phần tăng trưởng có lợi về kinh tế mà còn vô cùng cần thiết về mặt quân sự trong những khu vực đồng bào di cư hình thành những vòng cung với „Ấp Chiến Lược“, ngõ hầu tách Việt Minh ra khỏi dân và làng xóm, làm phên dậu tiền đồn, che chở cho nền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa, vì theo ông „Ai giữ được cao nguyên thì giữ được nước“. Riêng về mặt chính trị đồng bào di cư là lực lượng hậu thuẫn nòng cốt góp phần thành công lớn cho Chính Phủ, vì đồng bào di cư bao gồm nhiều thành phần trí thức siêng năng và cần mẫn, lại có lập trường quốc gia, như một thứ “pháo đài chống Cộng” rất kiên quyết, tạo cho đồng bào miền Nam hiểu rõ thêm về Việt Minh, ngõ hầu tích cực tham gia triệt để ủng hộ Chính Phủ trên mọi phương diện, góp phần giúp ông Diệm trở thành một đối thủ đáng sợ cho phe cộng sản Hà Nội, khi Chiến Dịch Tố Cộng bắt đầu tàn phá hàng ngũ nằm vùng của cộng sản, thì Hà Nội thật sự lo ngại.

Biến Cố 1.11.1963 một cuộc phản tạo.

Như đã trình bày, chỉ trong thời gian ngắn kỷ lục với những thành quả tiêu biểu lớn lao trên mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong một tình trạng „sứ quân“ với hai bàn tay trắng đã đạt được như kiện toàn độc lập, giành lại chủ quyền quốc gia và chấm dứt chế độ thực dân trong tất cả các lãnh vực, cải thiện đời sống của dân chúng bằng cách phát triển tất cả các lãnh vực hoạt động, biến miền Nam Việt Nam trở thành một nước tự do, dân chủ pháp trị và hùng mạnh nhất Đông Nam Á vào thập niên 1950 – 1960, khiến nhiều nhà báo ngoại quốc, kể cả những ký giả thiên tả, thân cộng gọi đó là phép lạ về chính trị. Riêng Tổng Thống Hoa Kỳ Eisenhower gọi ông Diệm là „Con Người Thần Kỳ, con người của phép lạ“.

Tuy nhiên một điều chắc chắn phải khẳng định rằng viện trợ về kinh tế và quân sự cũng như nhân lực của Mỹ đã đóng góp một vai trò rất lớn và quan trọng trong những thành quả này, song Tổng Thống Ngô Đình Diệm luôn thẳng thừng tuyên bố „Việt Nam không phải là xứ bảo hộ của Mỹ“, do vậy ông muốn Chính Phủ Mỹ ký một hiệp ước song phương với Việt Nam, như Mỹ đã từng ký với Đại Hàn, nhưng không được Mỹ chấp nhận, song lại được Mỹ đề nghị khác với hình thức bên nào đóng góp nhiều hơn sẽ nắm quyền điều khiển cuộc chiến, ngõ hầu dành hết trách nhiệm điều khiển cuộc chiến để dễ bề thao túng. Thế nhưng sáng kiến của Chính Phủ Kennedy đã bị Tổng Thống Ngô Đình Diệm bác khước, vì hợp tác theo hình thức này Việt Nam sẽ mất quyền chủ động trong cuộc chiến cũng như chống Cộng theo sách lược và sự chỉ đạo trực tiếp của Mỹ, làm mất chính nghĩa quốc gia của chính quyền và quân dân Nam Việt Nam, dẫn đến quyền quốc gia sẽ bị xâm phạm, chính nghĩa cuộc tranh đấu chống cộng cũng mất.

Chính vì ông Diệm có lập trường Dân Tộc cứng rắn và là một nhà lãnh đạo bướng bỉnh cương trực, khí khái với đế quốc, bất luận Pháp, Mỹ hay Tàu, tỏ thái độ cương quyết từ chối Mỹ sử dụng cảng Cam Ranh cũng như Quân Đội Mỹ sang tham chiến tại Việt Nam, cộng với biến cố Phật Đản (8.5.1963 tại Huế) được Hoa Kỳ khai thác, để thực hiện chính sách xâm nhập vùng Đông Nam Á, mà báo chí ngoại quốc lẫn chính phủ Hoa Kỳ đã thổi phồng, cố tạo cho thế giới có một cảm giác ngột ngạt đang diễn ra tại Việt Nam, chú tâm vào vấn đề Phật giáo, để “cố ý lãng quên”, bỏ qua tất cả những thành quả khác đang trên đà tiến triển của Việt Nam Cộng Hòa. Khi Tổng Thống Diệm ký một thông tư lưu ý các tỉnh thành về thể thức treo quốc kỳ trong những này lễ đạo, không phân biệt tôn giáo nào.„Cờ quốc gia phải được đúng kích thước và treo chính giữa phía trên cao trước cổng nhà thờ, chùa chiền, đền thánh“, mà tác giả Nguyễn Văn Minh đã viết đầy đủ chi tiết hơn 100 trang trong tác phẩm „Dòng Họ Ngô Đình, Giấc Mơ Chưa Đạt“ như một chứng minh cho những điều đã lộ diện sau 1975, góp phần một yếu tố quan trọng trong màn kịch „Bàn thờ Phật giáo xuống đường“ lấy cớ „Pháp Nạn“, nhằm thực hiện một mưu đồ chính trị của những con bài tôn giáo chiến lược của Hà Nội như Trí Quang, Nhất Hạnh, Minh Châu… cùng sự phụ hoạ của Bác sĩ Wulff người Đức ( Điệp viên KGB Liên Xô), Trung Uý Scott của CIA, đã gây nhiều biến loạn đau thương cho cả Phật Giáo lẫn Quê Hương Việt Nam, được tác giả Lữ Giang trình bày đầy đủ xác thực trong tác phẩm „Những bí ẩn đằng sau cuộc Thánh Chiến VN“.

Phải chăng 2 nguyên nhân chính trên như một cái cớ, để biện minh cho chủ trương “Diem must go”, góp phần „mầm sung đột“ dẫn tới chính phủ TT Kennedy nhúng tay vào „đạo diễn“ cũng như „bảo kê“ vụ việc đảo chánh phi pháp luật, phi dân chủ trong việc khai tử Chính Quyền Ngô Đình Diệm, ngõ hầu thay ngựa giữa giòng, bằng một chính phủ bù nhìn dễ sai bảo và phục tùng hơn, điển hình như các tướng tá háo danh: Tôn Thất Đính, Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, Trần Văn Đôn, Nguyễn Văn Thiệu, Đỗ Mậu .v.v đã hèn hạ, phản bội và làm tay sai của cuộc loạn binh 01.11.1963, do vậy biến cố nầy được gọi là cuộc tạo phản „giết mướn’’ và các Tướng lãnh là bọn phản loạn mọi rợ, vì nhóm Tướng lãnh đảo chánh được ông Diệm đưa lên làm Tướng ngang hàng với các Tướng Pháp và Mỹ, thay vì làm tay sai ở dưới quyền và đứng chào. Nhưng họ lại nghe lời và ngửa tay nhận tiền của ngoại bang, để đảo chánh và đã lén lút, hèn hạ và đê tiện như những kẻ đâm thuê chém mướn thuộc xã hội đen, khi cho người ám sát ông Diệm cùng bào đệ Ngô Đình Nhu trên chiếc xe thiết giáp chuyển từ Nhà Thờ Cha Tam về Bộ Tổng Tham Mưu, để rồi lạy lục xin ngoại bang cho phép được làm tay sai trở lại, gây một cái nhục cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Vẫn biết tướng Dương Văn Minh trực tiếp giao cho cận vệ của mình là Đại Úy Nguyễn Văn Nhung thi hành hạ sát anh em TT Ngô Đình Diệm dưới quyền chỉ đạo của Tướng Mai Hữu Xuân, nhưng nếu không được khẩu lệnh “Khiêu binh, khích tướng“ từ Washington truyền cho Lucien Conein qua Đại Sứ Lodge ở Sài Gòn, thì bố bảo Minh Cồ ( Big Minh) và đám tướng tá phản loạn dám hành động chuyện tày trời này. Chính Đại Sứ Henry Cabot Lodge là người đã ra lệnh cho Tướng Dương Văn Minh hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu.

Rồi sau cuộc “chỉnh lý” ngày 31.01.1964, lại theo lệnh của CIA tống ngục và sau đó giết Đại Úy Nguyễn Văn Nhung, để phi táng một nhân chứng quan trọng. Chưa hết, các Tướng lãnh chẳng những đã cúi mặt không dám nhìn sự thật và liêm sỉ lừa bịp quốc dân rằng người chết đã tự sát, để nhật báo New York Time in hình xác Tổng Thống Diệm bị còng tay với lời chú thích "tự sát không có tay" (suicide with no hand). Thật mỉa mai thay, khi người sống sợ người chết và kẻ thắng trận phải run sợ cúi mặt trước kẻ bại trận đã ngã ngựa. E rằng vì họ thiếu tài đức, nên lòng bất an chăng!? Đã vậy còn vu khống người chết, rồi tìm cách chối tội và đổ tội lẫn nhau. Điển hình nhất là năm bầu cử TổngThống nhiệm kỳ 2 (1971), hai ông Nguyễn Văn Thiệu và Dương Văn Minh chửi lộn loạn xà ngầu, dùng nhiều từ thiếu văn hoá như "Thằng hèn, thằng nói láo…" để nguyền rủa và đổ lỗi cho nhau về cái chết của ông Diệm. Đúng là một "lũ đầy tớ giết chủ" như lời nhận định của tướng Nguyễn Chánh Thi (một trong các sỹ quan đảo chánh hụt ngày 11.11.1960).

Đáng trách hơn nữa là trước tệ hại và nghiêm trọng sau khi thi hành xong lệnh của ngoại bang và lãnh tiền công với một giá rẻ mạt (Ba triệu đồng VN), gọi là để "mua chuộc phe chống đối nếu cần", trích trong hồi ký của Tướng Trần Văn Ðôn, một trong những tướng lãnh chủ mưu đảo chánh), đám tướng tá phản loạn cấu xé nhau về chức quyền và tiền bạc, dẫn đến giúp Hoa Kỳ thay toàn diện một thế cờ với một số tiền thù lao rẻ bèo, để xứ sở mất chủ quyền, mất kỷ cương và người lính Mỹ cứ “vô tư” vào Miền Nam càng ngày càng nhiều. Tệ đoan xã hội, đĩ điếm, cần sa, bạch phiến, bước nhịp theo những gót chân ngoại bang trên một mảnh đất không chủ quyền và chỉ thời gian 2 năm trong một giai đoạn suy thoái chính trị, suy yếu quân sự và suy đồi toàn diện ở Miền Nam, đã có 3 cuộc binh biến (binh biến ngày 31.1.1964, binh biến ngày 13.9.1964, và binh biến ngày 19.2.1965) và 6 Chính Phủ nối tiếp nhau với những Tướng Tá bất tài, thiếu phẩm cách (nào là chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Khánh, Nguyễn Xuân Oánh, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, rồi đến chính phủ Nguyễn Cao Kỳ) lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu, coi quốc gia như một chiến lợi phẩm, biến đất nước Việt Nam thành võ đài cho cuộc đọ sức Tư Bản-Cộng Sản kéo dài gần 12 năm, để phô trương sức mạnh quân sự của các siêu cường, chỉ vì sự tranh giành quyền lợi và ưu thế chiến lược, buộc Quê Hương Việt Nam bị tàn phá với một số bom đạn nhiều gấp 3 lần rưỡi số bom đạn Hoa Kỳ đã sử dụng trong trận Đệ Nhị Thế Chiến và cuộc đọ sức tàn khốc đã biến Việt Nam thành nghĩa địa của những cái chết tức tưởi, vô lý với hàng triệu (3 triệu) sinh mạng người Việt Nam và hàng trăm ngàn thanh niên đồng minh. Và cuối cùng như một định mệnh đã an bài, mười hai năm sau (30.04.1975) chính con người này (Dương Văn Minh) cũng đã được Mỹ tuyển chọn, để “bẻ gãy súng” đưa cả một dân tộc vào một thảm họa đen tối nhất lịch sử là để miền Nam Việt Nam phải cùng chịu sự thống trị của chủ nghĩa Cộng Sản, theo đúng ý đồ của Mỹ, trong nỗ lực mở đầu và kết thúc một quá trình triệt tiêu chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Một hành động đem lại cho Hoa Kỳ một mối nhục trong lịch sử khi đối xử thiếu văn minh với một đồng minh nhỏ bé của mình trong lúc đồng minh ấy đang phải đương đầu với những khó khăn ghê gớm trong nội bộ. Mặc dù qua Hiệp Định Paris 1973 Mỹ triệt thoái khỏi Việt Nam trong danh dự, nhưng về nước trong tủi nhục không kèn không trống. Đã vậy Quân Sử trong lịch sử Hoa Kỳ đã phải ghi: “Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, quân đội bách chiến bách thắng của Hoa Kỳ đã thua trận một cách đau đớn ê chề trên chiến trường Việt Nam (The first time in the American History, the unvanquisable armed forces of the United States lost ignominiously the war in Vietnam battle field...), cũng như Hoa Kỳ đã phải hối tiếc về những vụ giết người một cách dã man và hèn nhát nhất lịch sử như sát hại anh em TT Ngô Đình Diệm và đối xử bất công với ông Ngô Đình Cẩn, khi CIA phải lừa ông vào Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Huế, nói rằng sẽ cho đi ngoại quốc, sau đó giao ông Cẩn cho Tướng Nguyễn Khánh giết, hầu để lộ cho thế giới biết những hành động “đem con bỏ chợ” của Chính Phủ Mỹ, vì ai làm đồng minh với họ thì luôn phải làm người tình hờ, sống trong tình trạng “Yêu nhau buổi sáng, buổi chiều xa nhau”, vì khi họ cần thì là đồng minh, khi hết sử dụng hoặc mất quyền lợi thì lật đổ ám sát, và làm đại sứ Mỹ ở bất cứ đâu là hôm trước trình ủy nhiệm thư, hôm sau trở thành chuyên viên đảo chánh!

Thay lời kết

Nhiều dư luận cho rằng: Không một Quốc Gia nào có một tương lai vững chắc, nếu không hiểu trung thực về quá khứ lịch sử, trong nỗ lực tránh được những sai lầm, xoá bỏ được những hận thù do một âm mưu thâm độc được cả bạn lẫn thù hợp xướng, ngõ hầu trả lại công bằng cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vì nhân vô thập toàn, con người không phải là thần thánh, nên lầm lỗi, sơ hở là thường và chắc chắn trong 9 năm cầm quyền, Tổng Thống Ngô Đình Diệm có thể đã phạm một số ngộ nhận. Song bất cứ người nào, dù là đồng minh phản bội như Hoa Kỳ hoặc đối thủ như CS, cũng phải công nhận rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một nhà lãnh tụ nhiệt tình yêu nước, thương dân, trong sạch, khí phách và không làm cho người dân Việt phải hổ thẹn, vì ông đã hy sinh tất cả để cố bảo vệ đến cùng, thể diện và uy quyền quốc gia với nếp sống đạo đức cá nhân đã trở nên đáng kính hơn bất cứ nhân vật hiện đại nào từ 1945 đến nay, do vậy cái chết của ông Diệm không chỉ đơn thuần như một vụ thanh toán chính trị, cướp đoạt quyền hành. Cái chết của ông đã biểu hiện trọn vẹn thân vận của con người Việt Nam, một lòng yêu nước có lòng tự ái quốc gia và danh dự của dân tộc, quyết không chịu cúi đầu khuất phục trước những thế lực ngoại bang, nhằm bảo vệ chủ quyền Quốc Gia trong bối cảnh đối phó những thách thức to lớn của người bạn đồng minh.

Oái oăm thay, Bác sĩ Phan Huy Quát đồng ý nhường Cam Ranh cho Mỹ và đồng ý cho Mỹ mang quân vào Việt Nam, cũng bị chết trong tù (trại cải tạo), vì bị Mỹ bỏ rơi.

Thời gian sẽ phán xét công bằng, vì Tổng Thống Ngô Ðình Diệm có nhiều công với dân tộc Việt Nam, cho nên sự vĩnh viễn ra đi của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã gây xúc động sâu xa và niềm thương cảm lớn lao nơi các lãnh tụ thời đó như Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch đã than thở: “Người Mỹ có trách nhiệm nặng nề vụ ám sát xấu xa này. Trung Hoa Dân Quốc mất đi một đồng chí tâm đầu ý hợp. Tôi khâm phục ông Diệm. Ông xứng đáng là một lãnh tụ lớn của Á Châu. Việt Nam có lẽ phải mất 100 năm nữa mới tìm được một nhà lãnh tụ cao qúy như vậy”. Tổng Thống Mỹ Johnson đã gọi các Tướng miền Nam Việt Nam được Mỹ thuê làm đảo chánh lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm là “một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” và vì cảm phục, nể trọng Tổng Thống Diệm, nên ông TT Johnson đã ca ngợi rằng: " Tổng Thống Diệm là một Churchill của Á Châu... Lịch sử xếp ông ta như là một trong những vĩ nhân của thế kỷ 20…" và "… Việc giết ông Diệm là một trong các thảm kịch lớn nhất của thời đại chúng ta.". Cựu Tổng Thống Trần Văn Hương, khi đang làm Thủ Tướng, đã nói với một nhà ngoại giao Anh: "Các tướng lãnh vì sợ chết, họ đã quyết định ám sát Tổng Thống Diệm và em ông. Các tướng lãnh biết quá rõ rằng họ bất tài, không có đạo đức và kể cả không được dân chúng hậu thuẫn, họ cản một cuộc trở về ngoạn mục của Tổng Thống và ông Nhu nếu hai ông còn sống". LM Cao Văn Luận ( một nhân chứng trong thời cuộc) lúc gần cuối đời đã phê phán như sau: “Sự thanh toán ông Diệm và chế độ ông Diệm phải chăng là một sai lầm tai hại cho đất nước Việt Nam. Những hỗn loạn chính trị, những thất bại quân sự sau ngày 1.11.1963 đã trả lời cho câu hỏi đó”.

Tuy nhiên khi ông Diệm bị ám sát, kẻ duy nhất được hưởng lợi không ai khác là những người cộng sản, song Mao Trạch Đông phản ứng bằng nhận xét: „Chính quyền Kennedy hạ ông Ngô Đình Diệm là một thất sách, một sai lầm rõ rệt“. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Ông Diệm là một nhà yêu nước, theo lối của ông ấy! và Tôi không thể ngờ rằng tụi Mỹ ngu đến thế". Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch mặt trận Giải Phóng Miền Nam gọi đó là „ Một tặng phẩm trời ban cho chúng tôi“. Còn Lê Duẩn trong Thư vào Nam nhận xét , “Để hòng cải thiện thể chế chính trị ngày càng tồi tệ, Mỹ đã vứt bỏ Diệm, Nhu. Nhưng Mỹ đã tính nhầm. Sau khi truất phế Ngô Đình Diệm, tình thế chính trị của bọn bù nhìn chẳng những không tốt lên mà còn xấu hơn nữa.” Đài phát thanh Hà Nội nói: "Do sự lật đổ Ngô Đình Diệm và em ông là Ngô Đình Nhu, tụi đế quốc Mỹ đã tự mình hủy diệt những cơ sở chính trị mà họ đã mất biết bao nhiêu năm để xây dựng, và đã giúp cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta rút ngắn được ít nhất là mười năm. Tướng Võ Nguyên Giáp nói với Ông Mc Namara ở Hà Nội vào tháng 11 năm 1995 rằng: "Chính sách Kennedy ở Việt Nam sai lầm hết chỗ nói. Ngô Đình Diệm là một người có tinh thần quốc gia, không khi nào ông chịu để cho người Mỹ dành quyền điều khiển chiến tranh, và sự người Mỹ dành quyền đã đưa người Mỹ đến thất bại đắt giá. Cho nên, kết quả của cuộc đảo chánh lật đổ ông Diệm năm 1963 là sự kết thúc sớm của Hoa Kỳ ở Việt Nam, một điều đáng làm cho người ta ngạc nhiên“.

Riêng Tây Đức, một nước không dính níu gì tới Việt Nam vào thời bấy giờ, song có đồng cảnh ngộ bị chia đôi đất nước sau đệ nhị thế chiến, nên dễ dàng thông cảm nỗi khổ của nhau hơn, thế nhưng vào đầu tháng 4 năm 1973 nhân dịp TT Thiệu và phái đoàn công du Âu Châu, ghé thăm Tây Đức, được Thủ Tướng Willy Brand chào mừng với lời phát biểu như sau: „Có một số khách, người ta chỉ hoan nghênh tiễn, chứ không hoan nghênh tiếp đón“ (Es gibt Besucher, die sieht man lieber gehen als kommen), với dụng ý khinh bỉ những con người phản thầy phản chủ, ăn cháo đá bát, không xứng đáng được ông tiếp đón và càng xa những con người này bao nhiêu càng tốt, để tránh bị ám ảnh cũng như hậu quả về sau.

Nguyễn Văn Tạ tham khảo

Tài liệu tham khảo:
Le Dragon d’Annam - Con Rồng Nước Nam (Bảo Đại) 
Việt Nam Nhân chứng (Trần Văn Đôn)
Việt Nam một trời tâm sự (Nguyễn Chánh Thi) 
VN Máu Lửa Quê Hương Tôi (Đỗ Mậu) 
Làm thế nào giết một Tổng thống? (Cao Thế Dung) 
Bên giòng Lịch sử (Lm. Cao Văn Luận)
Dòng Họ NGÔ ĐÌNH, Ước Mơ Chưa Đạt (Nguyễn Văn Minh)
Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc (Minh Võ)
Ai giết anh em Ngô Đình Diệm (Quốc Đạt) 
Vụ Ám sát Ngô Đình Diệm và JF Kennedy ( Bradley S. O´Leary & Edward Lee) 
Những bí ẩn đằng sau cuộc Thánh Chiến VN (Lữ Giang) 
Dương Văn Minh Hàng Tướng (Lữ Giang )
Bẩy ViễnThủ Lãnh Bình xuyên ( Nguyên Hùng) 
Bảo Đại hay là những ngày cuối cùng của Vương Quốc An Nam ( Daniel Grandclement )
Tài liệu Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà ( Minh Võ )
Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Kẻ Sĩ Cuối cùng (Phạm Phong Dinh)
Đệ nhất Cộng Hoà Việt Nam, 1954-1963 (Ts Phạm Văn Lưu và Ts Nguyễn Ngọc Tân)
Cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Aladin Nguyễn)
Cùng nhiều tài liệu trên Internet liên quan đến Đệ Nhất Cộng Hoà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét