Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc chân thành kính chúc Qúy Độc Giả an bình và hạnh phúc

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và vấn đề chính nghĩa dân tộc


Ít ai để ý rằng có hai sự việc quan trọng chứng tỏ Tổng Thống Diệm coi chính nghĩa quốc gia, chính nghĩa dân tộc là điều kiện tiên quyết để chiến thắng.
Thứ nhất, ông đã nhiều lần liên tiếp từ khước lời mời ra chấp chánh của cựu Hoàng Bảo Đại vì thấy thực dân Pháp chưa thực tâm trao trả hoàn toàn độc lập cho VN. Và ông đã nhận ra chấp chánh khi người Pháp đã trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam bằng hiệp ước ký kết với Thủ Tướng Bửu Lộc ngày 4-6-1954. Rồi từ khi chấp chánh (song thất 7-7-54) cho đến khi được bầu làm tổng thống đầu tiên của Việt Nam, ông đã kiên trì tranh đấu qua bao nhiêu gian khổ trước âm mưu đen tối của thực dân muốn duy trì một chế độ thối nát ở miền Nam hòng tiếp tục ở lại phần đất béo bở này, bất chấp hiệp ước 4-6, cũng như hiệp định Genève 20-7-54. Và kết quả cụ thể là lá cờ Pháp gần một thế kỷ tung bay trước Dinh Norodom được hạ xuống để lá quốc kỳ Việt Nam (cờ vàng ba sọc đỏ) được long trọng kéo lên trước sư hiện diện của Tổng Thống Diệm chứng kiến sự thành công, và trước mặt tướng Paul Ely đại diện Pháp quốc chứng kiến sự thất bại. Và cũng từ đó Dinh Norodom ấy đã được mệnh danh là Dinh Độc Lập để đánh dấu ngày mà nhân dân VN dưới quyền lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã dành được Độc Lập hoàn toàn trên thực tế, chứ không phải chỉ trên giấy tờ theo như những hiệp ước trước. Sau đó là cuộc rút toàn bộ quân Pháp hãy còn lưu lại Việt Nam sau hiệp định Genève.

Mưu toan của người Pháp dùng các Tướng Nguyễn Văn Hinh, Nguyễn Văn Vỹ để duy trì sự cai trị của Quốc Trưởng Bảo Đại như một bù nhìn của Pháp, hòng đưa đến sự trở lại khó tránh của chính quyền thực dân đã bị Tổng Thống Diệm đập tan nhờ sự cương quyết dũng cảm của ông và nhờ sự nhận thức khôn ngoan của các đoàn thể tổ chức, đảng phái lúc ấy tự động đứng đàng sau ông.

Tranh đấu thực sự để dành độc lập, ngăn chặn âm mưu trở lại của thực dân lúc ấy là chính nghĩa sáng ngời. Nên ông đã thành công. Thực dân Pháp lúc ấy vô cùng căm ghét ông, nhưng không làm sao triệt hạ được ông, vì ông được nhân dân ủng hộ. Sau sự thành công đó ông đã được toàn dân bầu lên làm tổng thống đầu tiên của một nước Việt Nam mới với quốc hiệu Cộng Hòa Việt Nam được trên 80 quốc gia công nhận.

Thứ hai, sự thành công của ông cũng làm cho một số người Việt Nam nhỏ nhen đố kỵ ghen ghét và chính quyền Mỹ thấy ông trở thành nguy hiểm đối vói đường lối chính sách đương thời. Đặc biệt là đối với một vài nhân vật trong bộ ngoại giao Mỹ. Vì vậy, vào những năm cuối cùng của đệ nhất cộng hòa, ông đã gặp nhiều khó khăn rắc rối với ngay chính quyền Mỹ.

Vào thời chính quyền Kennedy một số người Mỹ đã muốn tốc chiến tốc thắng Việt Cộng. Họ muốn đưa quân tác chiến vào Việt Nam và bị Tổng Thống Diệm cương quyết bác bỏ. Không phải ông không biết nước nhà còn yếu cần sự viện trợ dồi dào của Hoa Kỳ cả về mặt quân sự. Nhưng ông thấy lúc ấy miền Nam VN chưa cần tới quân viện ồ ạt của Hoa Kỳ, mà chỉ cần một số cố vấn và huấn luyện viên, và vào hai năm cuối, cần sự yểm trợ của một số trực thăng. Còn việc chấp nhận cho quân tác chiến của Mỹ tham gia các trận đánh, thì ông đã nói với những đại diện của Hoa Kỳ như đại sứ Nolting và tướng Taylor, nếu đến một lúc nào đó, chiến trận gay go, cần tới quân tác chiến của Hoa Kỳ, thì ông sẽ sẵn sàng ký một hiệp ước song phương, cho cuộc viện trợ này có danh chính ngôn thuận để ông có thể trả lời với quốc dân VN. Và hiệp ước đó cũng sẽ chỉ cho quân Mỹ đóng ở dọc biên giới (vĩ tuyến 17) mà thôi. Đại sứ Frederick Nolting, người đã thương lượng với Tổng thống về việc đem quân tác chiến vào để đẩy mạnh cuộc chiến sớm thành công đã phải công nhận lập trường của Tổng Thống Diệm là hữu lý, mặc dù ông cũng than phiền là ông Diệm là người rất khó thương thuyết (về vấn đề này).
Sở dĩ Tổng Thống Diệm quyết liệt như thế vì chủ quyền quốc gia là một vấn đề nguyên tắc bất di bất dịch. Ngoài ra còn về mặt chiến lược nữa. Ông biết rõ lúc ấy Hồ Chí Minh là người vô cùng xảo quyệt đang được dư luận thế giới và số đông trí thức trong nước cũng như nhân dân ủng hộ. Vì họ được CS thế giới tuyên truyền rằng ông Hồ mới thực sự là người yêu nước, còn ông Diệm chỉ là tay sai hay bù nhìn của Mỹ. Nếu để cho dân chúng và thế giới thấy quân đội Hoa Kỳ chủ động trong cuộc chiến, thì quân đội VN CH dưới quyền lãnh đạo của tổng thống là tổng tư lệnh theo hiến Pháp sẽ trở thành lính đánh thuê. Nghĩa là mất hẳn chính nghĩa dân tộc.

Chính sự quyết tâm không nhượng bộ trong những vấn đề nguyên tắc và chiến lược đó, đã làm phật ý một số nhà lãnh đạo Mỹ, khiến họ tìm mọi cách, dàn dựng nên hay phóng đại những lỗi lầm của ông hầu lấy cớ triệt hạ ông.

Trước hết, như chính Roger Hilsman, phụ tá ngoại trưởng Mỹ lúc ấy đã viết, và sau này nhiều sử gia Mỹ, trong số đó có hai nữ sử gia là Marilyn B. Young và Ellen Hammer đã nhắc lại để dẫn chứng, ông Ngô Đình Nhu lúc ấy là cố vấn chính trị phủ Tổng thống chủ trương “nếu ít thì cũng phải rút một số cố vấn Mỹ về nước, còn nếu nhiều thì yêu cầu Mỹ rút hết cố vấn”. Nói chi đến việc đem thêm quân Mỹ vào VN? Vì thế những nhà ngoại giao Mỹ lúc ấy như thứ trưởng ngoại giao Averel Harriman, phụ tá ngoại trưởng Roger Hilsman... đề nghị với cấp trên đòi Tổng Thống Diệm phải đưa ông Ngô Đình Nhu ra ngoại quốc. Sự việc vừa nêu cho thấy họ sợ rằng với ông Nhu bên cạnh, tổng thống sẽ không bao giờ cho Mỹ đổ quân tác chiến vào. Họ không biết rằng đối với một nhà lãnh đạo có bản lãnh và lập trường kiên định như Tổng Thống Diệm, ông Nhu hay ai khác ở bên cạnh cũng chỉ là để thực hiện những sáng kiến chiến lưộc của ông mà thôi. Và đời nào ông chịu áp lực của ngoại bang mà loại bỏ người em trung thành và hiểu rõ đường lối chính sách của ông hơn ai hết.

Khi mà trong chiến lược toàn cầu, Mỹ thấy cần đem quân tác chiến vào, mà bị một nước nhỏ bé đang cần viện trợ của Mỹ lại dám bác bỏ và chống đối, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Người ta dễ tiên liệu được. Vi vậy mà cho đến nay, một số người vốn ca tụng Tổng Thống Diệm, và nghĩ ông thực sự là nhà ai quốc cũng phê bình ông thiếu khôn ngoan, khi không đồng ý để Mỹ đem quân vào “giúp”.

Nhưng đối với Tổng Thống Diệm hai vấn đề nguyên tắc và chiến lược tối cao là quan trọng hơn cả. Thà phải hy sinh tính mệnh, chứ không thể vì sự sống của mình mà hy sinh chủ quyền quốc gia. Còn chết là chuyện ai cũng phải có lúc chết. Anh hùng có ai sợ chết ?

Thực tế lịch sử những năm sau đó đã chứng minh, dù Mỹ đem đại quân vào, và dùng đủ mọi thứ vũ khí tối tân vẫn không thắng được VC. Nguyên nhân chính mà ngày nay ai hiểu về chính trị và nhất là về hình thức chiến tranh ý thức hệ của CS đều phải công nhận. Đó là, sở dĩ Mỹ thua và phải rút quân, để cho miền Nam rơi vào tay CS, để rồi bị nhiều người dân miền Nam oán trách cho đến bây giờ, chính vì họ đã tự ý đem quân tác chiến vào, Mỹ hóa cuộc chiến, khiến cuộc chiến chống cộng (có chính nghĩa) trở thành cuộc chiến chống Việt Nam (phi nghĩa), chẳng khác gì chiến tranh xâm lược như VC thường rêu rao.

Thật đáng tiếc và hết sức buồn, phải nhắc lại rằng, ngoài những kẻ chủ mưu và tham gia đảo chính, những người có trách nhiệm trực tiếp trong việc để Mỹ tự do đem quân vào mà không có một hiệp ước song phương quy định những chi tiết thực hiện lúc ấy chính là thủ tướng bác sĩ Phan Huy Quát và bộ tham mưu của ông. Trong cuốn hồi ký In The Jaws of history1 cựu đại sứ Bùi Diễm đã xác nhận sự kiện trên. Nhưng ông tự biện minh là “người Mỹ đã không hỏi ý” các ông trước.2

Tất cả những gì xảy ra sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ rồi bị giết một cách man dại, hèn nhát đã cho thấy những người chống đối ông, đòi ông chia xẻ quyền hành một cách quá đáng đều đã có cơ hội thử thời vận, nhưng tất cả đều thất bại. Ngay chính phủ họ Phan cũng chỉ tồn tại được hơn ba tháng. Điều này đã làm cớ cho người ta suy luận rằng, người Mỹ chỉ cố đem được con bài của mình lên để thực hiện ý định đổ quân tác chiến ồ ạt vào VN. Sau khi đã làm xong bổn phận của mình, chính phủ đó liền bị thay thế.

Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sau này, được sự tham gia của nhiều trí thức thuộc các đảng từng chống Tổng Thống Diệm đã mặc nhiên trở thành một thứ tay sai của Mỹ. Chính vì có sự hiện diện của nửa triệu quân Mỹ nắm trọn quyền điều khiển chiến tranh. Trong tình trạng ấy, người dân khó có thể không nghĩ mọi việc tổng thống làm đều do Mỹ bảo phải làm. Kể cả việc triệt thoái quân khỏi vùng II chiến thuật vào những tháng cuối, và việc trao quyền lại cho một thầy giáo cô đơn về chính trị, cô đơn đến nỗi một mình “xách giỏ đi chợ chiều, tôm cá tươi đã hết đành phải hót mấy con cá ươn về làm cỗ”, để rồi “thầy giáo cô đơn” phải trao quyền lại cho ông hàng tướng có em VC gộc, để rồi tướng này trao trọn miền Nam cho VC.

Với hàng chục vạn quân Mỹ tự tung tự tác, chủ động mọi kế hoạch tác chiến trên tổ quốc VN lúc ấy, trước mắt các quan sát viên quốc tế, tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng chẳng qua cũng chỉ là tay sai đắc lực hay bất đắc dĩ của ngoại bang. Và trong chính thể đó, những vị trí thức, những nghị sĩ tên tuổi, những vị tổng bộ trưởng, đại sứ, tướng lãnh VN không hề biết rằng mình đã trở thành một thứ lính đánh thuê cho một ngoại bang, nếu họ không chứng minh được với thế giới và dư luận trong nước (bên kia bờ bến hải) rằng họ đang cùng Hoa Kỳ chống Hồ Chí Minh và đồng bọn tay sai của Quốc Tế III, tức Quốc Tế Cộng Sản. Tiếc rằng từ khi ông Diệm bị giết, những nỗ lực về mặt này chẳng còn có gì đáng kể. Vì thế mà với trên nửa triệu lính Mỹ thường trực tại VN với vũ khí tối tân đủ loại, miền Nam đã mất vào tay CS!

Dù chính quyền Ngô Đình Diệm có lỗi lầm gì đi chăng nữa (mà chính quyền nào lại không có lỗi lầm? Hãy nghe hai phe đối đầu trong các cuộc tranh cử tại Mỹ là một nước dân chủ hàng đầu trên thế giới chỉ trích lẫn nhau thì thấy rõ điều đó), thì chúng ta cũng phải công nhận rằng chính quyền đó đã tìm mọi cách để nêu cao chính nghĩa dân tộc chống cộng sản. Hầu hết thảy các chuyên viên chống cộng trên thế giới đều được Đệ Nhất Cộng Hòa tiếp xúc và/hoặc mời tới Sài Gòn để tham khảo, thuyết trình, giới thiệu các phương cách chống cộng hữu hiệu nhất của họ. Nào phái đoàn NTS của tổ chức chống cộng Nga, phái đoàn Vương Thăng của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, phái đoàn Sir Thompson của Anh, phái đoàn của nữ sĩ Suzane Labin, tướng Vanuxem... của Pháp và hàng tá chuyên viên chống cộng sản Huc của Phi. Lúc ấy những lãnh tụ chống cộng hàng đầu trên thế giới như Raymon Magsaysay của Phi, Lý Thừa Vãn của Đại Hàn, Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc đều trở thành bạn thân và chí hữu của Tổng Thống Diệm...

Xin đừng bảo sau này anh em ông Diệm đã bắt tay với VC, nên đã bị trừng trị vì tội phản bội. Bởi vì bàn chuyện hiệp thương, tạm ngưng xung đột trong một cuộc chiến lâu dài là một kế sách mà các chiến tướng từ cổ chí kim đã từng làm. Việc đó không tất nhiên là chuyện phản bội. Nếu bảo thương lượng với người cùng một tổ quốc, dù có là kẻ thù, để làm giảm áp lực của ngoại bang muốn xâm phạm chủ quyền tối thượng của quốc gia là trọng tội, thì sau này chính quyền Nguyễn Văn Thiệu muốn ngồi ngang hàng với Hà Nội để bàn chuyện ngưng chiến mà không được thì sao? Khi tính chuyện hiệp thương ông Diệm đã phân biệt con người Việt Nam trong đám lãnh đạo miền Bắc với con người CS, và tạm thời đặt những tranh chấp về ý thức hệ vào một tương lai. Chứ ai cũng biết bản chất của ông không phải là người chấp nhận chủ nghĩa cộng sản vô thần. Hơn nữa lúc ấy nếu ông có nói chuyện với Hồ Chí Minh là nói trong một tư thế vượt trội không như chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sau này, và thậm chí ngay cả Mỹ. Vì lúc ấy Mỹ đã bị dư luận toàn quốc và thế giói, kể cả Vatican làm áp lực không thương thuyết không được.

Những nhà chính trị có liêm sỉ không thể không sám hối về những sai lầm nghiêm trọng của mình, nếu còn muốn chường mặt ra với công luận. Đáng buồn là những cuốn sách viết bằng ngoại ngữ của những người có trách nhiệm trong việc làm mất chính nghĩa đấu tranh chống cộng lại chỉ nhắm mục đích tự biện minh cho việc làm sai trái của mình.

Đến nay lịch sử đã cho thấy rõ những người cầm đầu và tham gia hai cuộc đảo chính 1960 và 1963 đều làm theo lệnh ngoại bang. Họ dại dột không biết rằng lật một chính quyền đã được toàn dân bầu lên, theo và với hiến pháp được toàn dân bỏ phiếu tán thành, được trên 80 nước trên thế giới công nhận, để gây ra một lỗ trống chính trị nghiêm trọng trong lúc cuộc chiến chống cộng đang tiếp diễn một cách gay go là vô cùng nguy hiểm cho đất nước. Đến khi sự việc xảy ra họ vẫn không nhìn thẳng vào thực tế lịch sử để rút kinh nghiệm và sám hối.

Đáng lý ra thay vì ngoan cố chỉ trích lên án nhà ái quốc Ngô Đình Diệm, họ biết hối lỗi bằng cách tố cáo Hồ Chí Minh, vạch cho dư luận ngoại quốc biết rõ huyền thoại về “người yêu nước Hồ Chí Minh”, về “cha già dân tộc Hồ Chí Minh”, để biến cái gọi là chính nghĩa của CS trở thành phi nghĩa, thì họ đã đái tội lập công. Nhưng họ lại chỉ biết vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ, không ngừng xuyên tạc, bịa đặt để xỉ vả nhà ái quốc đã thà chết để giữ chủ quyền quốc gia hơn là sống để phải khuất phục ngoại bang. Họ có biết chăng, làm như vậy chỉ khiến cho những kẻ chiến đấu vì ảo tưởng xã hội chủ nghĩa, vì quyền lợi của Quốc Tế CS, đứng đầu là Liên Xô và Trung Cộng trở nên những nhà ái quốc, vì dám chống lại siêu cường Mỹ xâm lăng. Họ biết rằng họ phải làm hết cách đổ lỗi, chạy tội, để nhân dân, lịch sử không lên án, oán ghét họ, vì đã gây nên tội ác tầy trời, làm mất chính nghĩa của cuộc đấu tranh chống CS.

Để kết thúc, chúng tôi mong rằng, chẳng cứ những nhân vật vừa kể, mà tất cả chúng ta, những người còn muốn cho con cháu mình về sau không lên án cha anh chúng là tay sai của Mỹ, bán nước cầu vinh, hãy làm hết cách để nêu cao chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống cộng. Và điều trước tiên là hãy tháo gỡ những huyền thọai bao quanh nhân vật Hồ Chí Minh để con cháu chúng ta thấy rõ chân tướng của ông ta và của cái đảng mà ông ta sáng lập theo chỉ thị của quốc tế CS. Đó là cái khó của chúng ta. Nhưng muốn cho cuộc đấu tranh của chúng ta có chính nghĩa dân tộc, thì phải làm bằng mọi cách. Và khi đã hạ được thần tượng HCM rồi thì mới mong các hình thức đấu tranh khác đạt được kết quả mong muốn.

Đó là vấn đề chính nghĩa cần lấy lại, vì khi vị tổng thống hợp hiến hợp pháp đầu tiên đã bị lật và bị giết để cho quân tác chiến Mỹ ồ ạt đổ vào, mà không do một lời yêu cầu chính thức hay một hiệp ước song phương, thì đảng CS Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã được nhân dân trong nước và thế giới cho là có chính nghĩa dân tộc, khi họ hô hào nhân dân “chống Mỹ cứu nước”. 

Minh Võ 

Trích chương 6 tác phẩm Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc do Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân tái bản, sẽ ra mắt tại trung tâm Vivo, số 2260 Quimby Road, San Jose, CA 95122, vào lúc 1:30 chiều thứ Bảy, 21-3-2009. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét